Trong báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Bộ Giao thông vận tải gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, dự án dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 10-2024, đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong hai năm 2025 – 2026.
Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP.HCM sẽ được tiến hành vào cuối năm 2027.
Từ năm 2028 – 2029 sẽ khởi công các dự án thành phần còn lại trên đoạn Vinh – Nha Trang.
Dự kiến, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng toàn tuyến vào năm 2035.
Chiều dài toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là 1.541km, trong đó 60% là cầu, 10% là hầm, 30% chạy trên mặt đất.
Tổng vốn đầu tư sơ bộ toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khoảng 1,713 triệu tỉ đồng, tương đương 67,34 tỉ USD.
Suất vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo tính toán khoảng 43,69 triệu USD/km, đây là mức vốn đầu tư trung bình so với các tuyến đường sắt tốc độ cao đã đầu tư trên thế giới.
Về phương án huy động vốn, dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn góp các địa phương và các nguồn huy động có chi phí thấp, ít ràng buộc, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi hằng năm.
Và theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đóng góp của dự án vào tăng trưởng GDP nền kinh tế trong thời gian xây dựng rất đáng ghi nhận, mỗi năm GDP nền kinh tế sẽ tăng trưởng thêm khoảng 0,97% so với không đầu tư dự án.
Nguồn thu từ khai thác thương mại quỹ đất tại các khu vực TOD (gắn với nhà ga) khoảng 22 tỉ USD, trong đó thu từ quảng cáo khoảng 5 tỉ USD, thu từ khai thác thương mại quỹ đất 17 tỉ USD.
Cũng theo tư vấn nghiên cứu dự án, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tạo ra thị trường xây dựng có giá trị khoảng 33,5 tỉ USD, trong đó giải phóng mặt bằng 6 tỉ USD, xây dựng khoảng 27,5 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiệu quả của việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần nhìn nhận từ góc độ lan tỏa phát triển, nếu biết tận dụng thì đây là cơ hội rất lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn lên, nắm bắt công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt.