Vị thế mới của Việt Nam tại hội nghị Pháp ngữ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Thủ tướng Ireland Simon Harris – Ảnh: TTXVN

Tối 3-10 (giờ Việt Nam), khép lại chuyến thăm tốt đẹp đến Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lên chuyên cơ đến Pháp. Tại Paris, ông sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, sau đó thăm chính thức Pháp theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron.

Việt Nam là thành viên tích cực

Những người nói tiếng Pháp ở Việt Nam có lẽ sẽ không quên năm 1997, khi Việt Nam lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay đăng cai hội nghị cấp cao của cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á. Đây là hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của cộng đồng Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra tổng thư ký đầu tiên.

Cũng tại hội nghị đó, ý tưởng đưa kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng trong không gian Pháp ngữ đã ra đời. Đến tháng 12-1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12 tại Romania đã thông qua tên gọi chính thức của cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

“Việt Nam nhận thức rõ những cơ hội mà cộng đồng Pháp ngữ mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, cũng như những đóng góp của đất nước đối với cộng đồng Pháp ngữ vì đây là quốc gia thành viên lớn nhất của OIF tại châu Á”, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời báo chí trước chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Thật vậy, Việt Nam đã cho thấy sự đóng góp ngày một quan trọng cho OIF nhờ vị thế ngày càng tăng trong các năm qua.

Mục tiêu ban đầu của Việt Nam khi gia nhập tổ chức tiền thân của OIF vào năm 1979 là tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật… trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác đến thúc đẩy cải cách hành chính. Việt Nam cũng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở châu Phi, trong đó có nhiều nước là thành viên của OIF.

Vì những điều trên, Việt Nam được coi thuộc nhóm nước đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của cộng đồng.

Văn hóa song hành cùng kinh tế

Vị thế mới của Việt Nam tại hội nghị Pháp ngữ - Ảnh 2.

Nguồn: OIF, Bộ Ngoại giao. Dữ liệu: DUY LINH – Đồ họa: TUẤN ANH

Ngày nay, cộng đồng Pháp ngữ có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên chính thức hoặc quan sát viên, với tổng dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu.

Trao đổi với Đài France 24 của Pháp, ông Alexandre Planelles, giám đốc điều hành của Liên minh các nhà tuyển dụng nói tiếng Pháp (APF), đã làm một phép so sánh với Khối thịnh vượng chung Anh: “Năm 2023, trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, trao đổi hàng hóa trong OIF đạt 389 tỉ USD. Cùng năm, Khối thịnh vượng chung Anh (hơn 2,5 tỉ người) đạt 485 tỉ USD. Cộng đồng của chúng ta không còn cách quá xa Khối thịnh vượng chung Anh nữa”.

Quy mô kinh tế cùng tiềm năng hợp tác rất lớn giữa các thành viên OIF khiến nhiều nước xem hội nghị cấp cao lần này cũng là một cơ hội về kinh tế. Nói như bà Martine Biron, quan chức phụ trách quan hệ quốc tế và khối Pháp ngữ của Quebec (tỉnh bang lớn nhất Canada), văn hóa và kinh tế luôn song hành nhau, văn hóa cũng mang tính kinh tế.

Với Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định không gian kinh tế Pháp ngữ còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, du lịch bền vững, khoa học, công nghệ.

Việt Nam là một trong những thành viên thúc đẩy mạnh trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số, trong không gian Pháp ngữ. Ở chiều ngược lại, cộng đồng Pháp ngữ luôn xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế – xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực.

Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, việc lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự hội nghị là “một cột mốc mới, khẳng định cam kết ở cấp cao nhất của Việt Nam” vào sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ.

Điều này cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hình ảnh, sự hiện diện của cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ của cộng đồng này với khu vực.

Việt Nam đã có nhiều mối quan hệ sâu rộng với các nước Pháp ngữ phát triển, do đó, theo ông Đinh Toàn Thắng, chúng ta cần thúc đẩy OIF hỗ trợ xây dựng một kế hoạch toàn diện hơn hướng tới tất cả các khu vực của không gian Pháp ngữ đang phát triển, trong đó có châu Phi, bởi những nước này đang rất quan tâm đến mô hình phát triển thành công của Việt Nam.

Những việc làm đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong OIF nói riêng và thế giới nói chung.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm nay là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”.

Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, phần lớn nội dung các cuộc họp sẽ tập trung vào vấn đề này, cả về thách thức và cơ hội của sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang theo đuổi và mong muốn có tiếng nói “định hình luật chơi” trong tương lai.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *