Theo báo Japan Times, nghị định mới được thông báo tại phiên họp hội đồng thủ đô ngày 4-10 và chính thức có hiệu lực từ tháng 4 năm sau.
Trong thời gian tới, chính quyền Tokyo có kế hoạch xây dựng các hướng dẫn chi tiết hơn, nhưng không bao gồm bất cứ hình phạt hình sự nào.
“Triết lý chính của nghị định này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa người lao động và khách hàng”, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike phát biểu tại buổi họp báo ngày 4-10.
Theo bà Yuriko Koike, chính quyền sẽ tính toán để chắc chắn nghị định mới phát huy tác dụng, những vẫn đảm bảo trải nghiệm mua sắm thoải mái cho người tiêu dùng, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tuyên bố từ nghị định mới, các hành vi quấy rối từ khách hàng không chỉ gây hại cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy không chỉ doanh nghiệp mà toàn xã hội phải chung tay giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên nghị định này cũng lưu ý những yêu cầu hay góp ý hợp lý từ khách hàng sẽ góp phần cải thiện chất lượng kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục tôn trọng quyền của khách hàng.
Những hành vi hung hăng đối với nhân viên đã trở thành vấn đề nhức nhối trong ngành dịch vụ của xứ sở hoa anh đào những năm gần đây.
Không chỉ riêng thủ đô Tokyo mà các địa phương khác như Hokkaido và Aichi cũng ghi nhận tình trạng người lao động bị khách hàng quấy rối. Các tỉnh này đang lên kế hoạch triển khai các nghị định tương tự.
Theo dữ liệu từ một cuộc khảo sát hồi tháng 6 do Công đoàn lao động của ngành bán lẻ và dịch vụ Nhật Bản UA Zensen thực hiện, 46,8% trong số 33.000 người được hỏi cho biết từng bị khách hàng quấy rối trong hai năm qua.
Cũng theo UA Zensen, hai hình thức quấy rối phổ biến nhất mà người lao động gặp phải là bị buộc phải xin lỗi khách hàng và yêu cầu đổi sản phẩm hoặc dịch vụ một cách vô lý.