Tuy nhiên đến nay, hạ tầng nhiều nơi ở đây vẫn còn dang dở.
Trong bốn năm trở lại đây, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM chưa khởi công thêm công trình nào và đã phải hoàn trả ngân sách nhà nước gần 2.000 tỉ đồng, mà nguyên nhân là do gặp khó khăn về pháp lý quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
Đường sá xuống cấp
Trở lại khu đô thị ĐHQG TP.HCM, nhiều người dễ dàng cảm nhận được những sự thay đổi của nơi đây như: cụm trường học mọc lên nhiều hơn, đường sá được chỉnh trang. Những con đường bao quanh hồ đá rậm rạp ngày nào giờ đã khoác lên mình bộ áo mới. Vỉa hè, tiểu cảnh, ghế đá… được xây mới, làm cho khu đô thị này trở nên đẹp đẽ và văn minh hơn.
Tuy nhiên, đường sá trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM lại bị đứt quãng. Mặt đường dẫn từ quốc lộ 1 qua Trường đại học Nông Lâm TP.HCM vào ĐHQG chi chít “ổ voi”. Còn có ít nhất bảy đoạn đường khác cũng bê bết không kém. Một số khu vực đáng lẽ được xây dựng thành các khu, cụm phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu… nhưng hiện tại là mảng xanh rậm rạp, xen lẫn nhà dân.
Bạn N.P. (sinh viên năm nhất đang học tại đây) cho hay những con đường xuống cấp, thắt cổ chai ở đây gây khó khăn cho việc đi lại của sinh viên như: đường dẫn từ Trường đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, đường Tô Vĩnh Diện, chợ Nhân Văn, Đại lộ đại học…
Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, chánh Văn phòng ĐHQG TP.HCM, cho biết đã có kế hoạch và chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường như: đường nối với Trường đại học Nông Lâm TP.HCM hay Đại lộ đại học – ngã ba 621… Tuy nhiên, một phần diện tích để xây dựng các công trình nêu trên hiện còn vướng giải phóng mặt bằng.
“Sở dĩ nhiều năm nay ĐHQG TP.HCM chưa khởi công thêm được công trình mới nào và đã phải hoàn trả ngân sách nhà nước gần 2.000 tỉ đồng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chính là vướng mắc công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Sau đó là vướng mắc về pháp lý quy hoạch chi tiết 1/500 về thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, các quy định về đấu thầu”, ông Tứ nói.
Phải cưỡng chế thu hồi mặt bằng
Cũng theo ông Tứ, hằng năm ĐHQG TP.HCM đều có văn bản kiến nghị TP.HCM và tỉnh Bình Dương (cụ thể hơn là TP Thủ Đức và TP Dĩ An) xây dựng kế hoạch thu hồi mặt bằng, tập trung các công trình kết nối hạ tầng, giao thông trong làng đại học.
Riêng trong năm nay, ĐHQG TP.HCM đã đề nghị hai địa phương tập trung thu hồi một số khu vực trọng điểm. Cụ thể như đường Issac Newton, khu chợ tự phát, đường vành đai Tôn Thất Tùng, Đại lộ đại học, ngã ba 621, khuôn viên quảng trường…
Về phía TP Dĩ An, đã có kế hoạch giải phóng mặt bằng với tổng diện tích dự kiến ưu tiên thu hồi khoảng 31,6ha của 287 hộ dân thuộc phường Đông Hòa và phường Bình Thắng.
Ngoài ra, TP Dĩ An đang xin chủ trương lập thủ tục bồi thường, thu hồi mặt bằng phần diện tích khoảng 5ha chưa kiểm kê (gồm các vị trí giáp ranh Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, nút giao cổng chính ĐHQG, khu nghĩa trang Giáo sứ Tân Quý, các khu quy hoạch cây xanh…).
Còn ở TP Thủ Đức, ông Hồ Văn Phước, phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết hiện tại địa phương đã đo đạc 100% số hồ sơ. Tổng vốn để đền bù mặt bằng từ năm 2010 đến nay là hơn 1.408 tỉ đồng. Theo kế hoạch và kiến nghị từ cuối năm 2023, tổng diện tích dự kiến ưu tiên thu hồi khoảng 13ha của 200 hộ dân thuộc địa phận hai phường Linh Xuân và Linh Trung.
Một số mặt bằng “đặc biệt” như trong khuôn viên Trường đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, còn 13 nhà dân chưa thể thu hồi theo quy định do vướng liên quan đơn giá bảo toàn vốn 7 hộ dân với diện tích là 396,1m2. Hiện nay đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất 5 hộ dân với diện tích là 203,2m2, chờ đủ thời gian nhận nền tái định cư sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất 1 hộ dân với diện tích là 129,6m2.
Còn tại khu vực đường Đại lộ đại học, đường 621 có 47 hồ sơ nhưng đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ 100% và thu hồi 33 mặt bằng (lấn chiếm, xây sai phép), số còn lại đang làm thủ tục thu hồi đất theo quy định.
Theo khảo sát, các đơn vị liên quan đánh giá một trong những nguyên nhân chủ yếu là người dân không đồng thuận với chính sách bồi thường, những hộ dân lấn chiếm thì không hợp tác bàn giao.
Đặt mục tiêu sau… 6 năm nữa
Theo UBND TP Thủ Đức, các lý do khác khiến dự án ĐHQG TP.HCM kéo dài vì trước đây, việc quản lý đất đai còn hạn chế ở khu vực triển khai dự án (nhất là tại phường Linh Trung). Việc chuẩn bị căn hộ chung cư, tái định cư và tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tái định cư còn chậm, không đảm bảo cho người dân sau khi có đất thu hồi.
Do dự án kéo dài, đơn giá phê duyệt kèm theo phương án bồi thường, hỗ trợ không còn phù hợp (phê duyệt ngày 31-5-2006 và đơn giá bồi thường theo bảng giá đất của UBND TP năm 2006, áp dụng Luật Đất đai năm 2003).
Mặc dù đã bốn lần điều chỉnh chính sách nhưng đơn giá vẫn còn chênh lệch so với các dự án liền kề, khiến các hộ dân so bì. Dự án được làm từ ngân sách trung ương và ĐHQG TP.HCM không đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho việc bồi thường hằng năm nên gây chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, do bốn lần điều chỉnh, bổ sung chính sách của dự án, phát sinh mức đầu tư. Vì vậy, ĐHQG TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh.
PGS.TS Nguyễn Đình Tứ cho biết thêm do dự án kéo dài hơn 20 năm, dẫn đến các hộ dân khiếu nại, khiếu kiện nhiều, tập trung vào chính sách bồi thường của dự án thấp, yêu cầu hỗ trợ tái định cư bằng đất, bồi thường các tài sản phát sinh do kiểm kê sót… Điều khó khăn nhất là nguồn vốn dành cho công tác bồi thường hạn chế, cũng như liên quan đến các mức hỗ trợ…
Về hướng gỡ vướng thời gian tới, ông Tứ cho biết thêm ĐHQG TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 (sau 6 năm nữa) sẽ hoàn thành: giải phóng mặt bằng, phát triển không gian hiện đại, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, phát triển khu công viên – cây xanh – mặt nước, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng hoàn chỉnh đường sá trên cơ sở ưu tiên các tuyến cửa ngõ chính kết nối với giao thông chung của TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
An ninh và môi trường đã được cải thiện
Cùng với các vấn đề về cơ sở hạ tầng và quy hoạch, an ninh trật tự cũng như việc bảo vệ môi trường tại ĐHQG TP.HCM được nhiều người dân, sinh viên quan tâm. Trước đó, nhiều năm, khu vực ĐHQG TP.HCM “nổi tiếng” là nơi phức tạp vì giáp ranh hai địa phương, có nhiều tội phạm trú ngụ. Đồng thời là nơi tập kết đủ loại rác, bao vây “tứ phía”.
Đến nay, tình trạng trên vẫn còn nhưng đã giảm nhiều. Theo ông Trần Việt Thắng – phó giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, từ năm 2022, đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp với Công an phường Đông Hòa (TP Dĩ An), Công an TP Thủ Đức và các phường liên quan để chủ động trong việc trao đổi thông tin và huy động lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trong khu đô thị.
Nhiều cụm camera an ninh được lắp tại các giao lộ trọng điểm, khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Thời gian tới, Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng tuần tra để phát hiện các trường hợp đổ trộm rác, có biểu hiện tội phạm…
Vì vậy, tình hình an ninh trật tự trong khu đô thị ĐHQG trong những năm qua được cải thiện, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đã giảm đáng kể.
Làng đại học có thêm khu tái định cư cho 5.000 hộ dân
ĐHQG TP.HCM có diện tích 643,7ha. Trong đó, bao gồm các khu trung tâm điều hành, trung tâm dịch vụ công cộng, các trường đại học thành viên, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục quốc phòng, trung tâm thể dục thể thao, ký túc xá, nhà công vụ, công viên khoa học.
Vào tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch làng đại học (điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng).
Điểm cập nhật nổi bật trong quy hoạch lần này là khu tái định cư cho các hộ dân. Cụ thể, khoảng 5.000 hộ dân trong làng đại học thuộc TP Thủ Đức sẽ được bố trí khu tái định cư khoảng 10,03ha. Phần diện tích này được điều chỉnh từ khu vực dự định ban đầu làm nơi đào tạo học tập… thành khu nhà ở.
TP.HCM và Bình Dương có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổ chức đầu tư xây dựng quản lý đất đai và khu tái định cư. Trong đó, UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư 10,03ha nêu trên.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu ĐHQG TP.HCM cùng hai địa phương ưu tiên nguồn vốn và nguồn lực đầu tư tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng khung trong khu vực dự án.
Đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, đấu nối với bên ngoài, đầu tư song song giữa công trình học tập và hạ tầng xã hội phục vụ sinh viên, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho sinh viên và cán bộ giảng viên.
* Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM:
Xin được ủy quyền làm quy hoạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Hải Quân – giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho biết về những khó khăn trong việc xây dựng các công trình tại khu đô thị ĐHQG TP.HCM có phần do chậm phê duyệt quy hoạch.
ĐHQG TP.HCM sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu được ủy quyền phê duyệt về quy hoạch chi tiết xây dựng và đảm bảo sẽ thực hiện đúng theo quy định.
Chậm vì thay đổi quy định
Năm 2019, ĐHQG TP.HCM đã xin và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh một phần diện tích của toàn khu (10,03ha) để xây dựng khu tái định cư tại chỗ cho người dân bị thu hồi đất, tạo thuận lợi hơn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để thực hiện được chủ trương tái định cư tại chỗ, từ năm 2020 ĐHQG TP.HCM đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 và được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7-2023. Theo quy định, trong thời gian này các đơn vị của ĐHQG TP.HCM phải dừng xây dựng để chờ quy hoạch mới. Việc giải ngân các dự án đầu tư cũng bị đứng lại.
Theo ông Quân, trong tổng thể khu đô thị ĐHQG TP.HCM có gần 20 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được ĐHQG TP.HCM phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng.
Tuy nhiên theo quy định mới, thẩm quyền phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 hiện nay là Bộ Xây dựng. Do vậy, ĐHQG TP.HCM đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các quy hoạch xây dựng này trình Bộ Xây dựng phê duyệt để phù hợp với quy định mới.
Mặc dù có sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Xây dựng nhưng do số lượng đồ án nhiều, khoảng cách xa về địa lý giữa Hà Nội và TP.HCM, cộng thêm quy trình phê duyệt phải trải qua nhiều bước, nên đến giờ vẫn chưa hoàn tất các đồ án điều chỉnh.
Việc này đồng nghĩa từ năm 2020 đến nay, ĐHQG TP.HCM chưa thể giải ngân, chưa thể khởi công các công trình xây dựng mới mà phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Bộ Xây dựng đã đồng ý
Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho hay đã kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ với Thủ tướng trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng với ĐHQG TP.HCM vào tháng 11-2023.
Theo đó, ĐHQG TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tiếp tục ủy quyền để ĐHQG TP.HCM thực hiện các thủ tục và phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý.
Về kinh nghiệm, ông Quân cho biết ĐHQG TP.HCM đã từng phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. ĐHQG TP.HCM cũng có chuyên khoa về quy hoạch, xây dựng, về tài nguyên môi trường, nên đủ năng lực thực hiện việc này.
Ông Quân nói thêm việc chậm đầu tư các công trình gây nhiều khó khăn cho các đơn vị trong vấn đề tổ chức giảng dạy, học tập. Có những dự án liên quan đến giảng đường của cơ sở đào tạo đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí đã xây dựng gần xong nhưng phải dừng lại chờ điều chỉnh quy hoạch.
Mặt khác, nhiều công trình, dự án giao thông kết nối các khu chức năng hiện cũng chưa đầu tư, hoặc đầu tư dang dở gây khó khăn cho việc đi lại, học tập của sinh viên.
“ĐHQG TP.HCM sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu được ủy quyền phê duyệt về quy hoạch chi tiết xây dựng và đảm bảo sẽ thực hiện đúng theo quy định; đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện nhanh việc điều chỉnh, khẩn trương tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình xây dựng, nhằm phục vụ tốt hơn việc giảng dạy và học tập của các đơn vị”, ông Quân nói.