Các đội bóng hàng đầu châu Âu luôn lo lắng mỗi đợt thi đấu quốc tế, nơi những ngôi sao của họ có nguy cơ chấn thương rất cao. Nhưng mặt khác, những đội bóng gặp vấn đề phong độ lại luôn có thể tranh thủ khoảng thời gian này để sửa chữa sai lầm đầu mùa giải.
Man United có lẽ là trường hợp điển hình vào lúc này. Hồi đầu mùa giải, ban lãnh đạo sân Old Trafford đã phạm sai lầm lớn khi không sa thải HLV Erik Ten Hag.
HLV Ten Hag tiến gần đến trát sa thải
Bất chấp những bao biện về danh hiệu hay số trận giữ sạch lưới, HLV Ten Hag phải thừa nhận sự thật rằng vị trí thứ 8 mà Man United cán đích ở Premier League mùa giải trước là thứ hạng thấp nhất của đội bóng này trong kỷ nguyên Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Trận hòa 0-0 nhạt nhẽo trước Aston Villa càng đưa Ten Hag tiến gần hơn một trát sa thải từ ban lãnh đạo “quỷ đỏ”.
Từ 2 tuần trước, các nhà cái đã xếp chiến lược gia Hà Lan ở vị trí dẫn đầu những HLV có nguy cơ bị sa thải sớm ở Premier League mùa này. Tỉ lệ cược cho việc ông Ten Hag trở thành HLV trưởng đầu tiên mất ghế thậm chí đã giảm đến mức 4/5 (đặt 5 ăn 4).
Khoảng thời gian tháng 10 được xem là cơ hội đầu tiên để các đội bóng lớn thay HLV. Tháng 9 cũng có loạt trận quốc tế, nhưng khi đó vẫn còn quá sớm. Nhìn chung, khi bước vào tháng 10, mùa giải của các đội bóng đều đã được định hình.
Các CĐV Man United lúc này buộc phải chấp nhận sự thật rằng Erik Ten Hag chắc chắn không phải cái tên có thể đưa đội bóng hồi sinh. Không chỉ vậy, ông còn là tác nhân của quá nhiều yếu tố tiêu cực, từ lối chơi nhàm chán, sự xung đột với các trụ cột (đã rời đi, như Ronaldo và Sancho) cho đến cả việc mang về hàng loạt bản hợp đồng thất bại.
Ruud Van Nistelrooy sẽ thay thế?
Và Man United hiện tại hiển nhiên là đội bóng đầu tiên của Premier League suy nghĩ đến việc thay tướng, để kỳ vọng vào sự đổi vận. Cựu tiền đạo Ruud Van Nistelrooy – hiện đang là trợ lý cho ông Ten Hag – được xem là lựa chọn hàng đầu để tạm quyền dẫn dắt “quỷ đỏ”.
Wolverhampton, West Ham và Crystal Palace là những đội bóng khác cũng đang phải suy nghĩ đến việc thay tướng. Đáng chú ý nhất là West Ham, đội đã chi đến hơn 100 triệu euro cho thị trường chuyển nhượng hè năm nay, nhưng rồi lại đang ngụp lặn ở nửa dưới bảng xếp hạng.
Ban lãnh đạo West Ham có thể phải chấp nhận rằng họ đã sai lầm khi bổ nhiệm ông Lopetegui – người có tài năng nhưng cũng thường xuyên gây xung đột trong môi trường làm việc.
Ở Ý, người hâm mộ AC Milan cũng rơi vào hoài nghi tương tự về HLV Paulo Fonseca. Đội bóng sọc đỏ đen thành Milan có màn khởi động vô cùng tệ hại khi thua 2, hòa 2 trong 7 vòng đấu đầu tiên ở Serie A. Còn ở Champions League, họ toàn thua cả 2 vòng đấu vừa qua.
Phong độ tệ hại của AC Milan một phần đến từ sự xung đột giữa HLV Fonseca và bộ đôi trụ cột Theo Hernandez – Rafael Leao. Theo truyền thông Ý, chiến lược gia người Bồ Đào Nha có cá tính mạnh, muốn áp đặt tư duy của ông lên đội bóng quá sớm, dẫn đến việc những trụ cột thâm niên trong đội không hài lòng.
Mùa giải chỉ mới trôi qua được 20% chặng đường. Nhưng 2 tuần lễ nghỉ ngơi của các giải đấu cấp CLB sẽ là cơ hội đầu tiên để ban lãnh đạo nhiều đội bóng suy nghĩ về sai lầm họ mắc phải trong mùa hè.