Tại sao trẻ sơ sinh mắc bệnh lây qua đường tình dục?

Bác sĩ tư vấn cho mẹ trẻ mang thai cần khám phụ khoa để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho con – Ảnh: D.LIỄU

Trẻ sinh ra có thể mắc các bệnh tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà, HIV… do người mẹ lây truyền sang con.

Vừa ra đời đã mắc bệnh lậu, giang mai

Nhiều ca trẻ sơ sinh có bệnh bất ngờ từ… mẹ. Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bé gái 2 tháng tuổi được đưa đến viện trong tình trạng nổi bọng nước khắp cơ thể, chảy dịch vàng lẫn máu, sốt cao. Tại bệnh viện bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc giang mai do lây từ mẹ.

Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bé gái V.T. (2 tháng tuổi, dân tộc Mông, ở Văn Chấn, Yên Bái) xuất hiện dấu hiệu ban đầu với ban sẩn đỏ rải rác ở vùng mông. Sau 5-6 ngày, các nốt ban này tiến triển thành các đám, mảng, bọng nước, sau đó lan ra hai chân, hai tay và vùng cổ. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại một phòng khám tư, được chẩn đoán viêm da bôi thuốc không rõ loại nhưng tình trạng không cải thiện.

Bệnh tình tiếp tục diễn biến nặng hơn, các bọng nước vỡ, chảy dịch vàng lẫn máu. Sau 5 ngày, trẻ xuất hiện sốt cao 38°C, quấy khóc, gia đình mới đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám. Kết quả khám và xét nghiệm tại đây cho thấy trẻ mắc giang mai bẩm sinh kèm thiếu máu nặng, sau đó được chuyển đến khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị. 

Tại đây bé trong tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng, sốt cao kèm với các tổn thương ngoài da dạng bọng nước ở tay chân và thân mình của bệnh giang mai bẩm sinh. Bé cũng được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh, kèm biểu hiện tổn thương toàn thân, thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng.

Trước đó, một bệnh nhi 3 ngày tuổi (ở Thái Bình) cũng được chẩn đoán mắc bệnh lậu lây từ mẹ. Theo lời kể của gia đình, bé gái là con đầu lòng, sinh thường. Ngày thứ 3 sau sinh, trẻ bị đỏ mắt, chảy nhiều dịch mủ màu vàng. Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh lậu.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhi có cha bị lậu, đã điều trị khỏi. Suốt thai kỳ, mẹ bé đi khám thường xuyên nhưng không phát hiện bệnh lý đặc biệt. Lần này người mẹ được khám và làm xét nghiệm, kiểm tra nhuộm soi vi khuẩn dịch âm đạo thấy hình ảnh lậu cầu. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ lây lậu từ mẹ.

Tránh bệnh lây qua đường tình dục

Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, tỉ lệ trẻ em chiếm 0,3-0,5% tổng số bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong đó chủ yếu trẻ mắc các bệnh thường gặp như sùi mào gà, giang mai, nhiễm herpes.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, trưởng khoa khám chuyên gia các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi mắc các bệnh lây qua đường tình dục có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho phụ nữ và trẻ sơ sinh.

Đối với phụ nữ, biến chứng thường gặp như đau bụng dưới mạn tính, viêm hố chậu, vô sinh, sẩy thai, thai chết lưu, tử vong do nhiễm trùng máu, có thai ngoài tử cung.

Đối với trẻ nhỏ, trẻ có thể mắc giang mai bẩm sinh do truyền bệnh từ mẹ sang con qua nhau thai gây nên thai chết, sẩy thai, đẻ non và các dị tật ở trẻ sơ sinh. Bị viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh do trẻ bị nhiễm khi sinh qua đường sinh dục. Bệnh có thể gây mù vĩnh viễn.

Đặc biệt, các bệnh lây qua đường tình dục nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Như các viêm nhiễm mạn tính dễ dẫn đến ung thư, đặc biệt bị bệnh sùi mào gà và mụn rộp sinh dục ở cổ tử cung có nguy cơ cao bị ung thư.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng cho hay việc trẻ mắc giang mai bẩm sinh không chỉ khiến trẻ suy dinh dưỡng và thiếu máu mà còn có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, tim, mắt, tai…, thậm chí tiến triển đến hệ thần kinh, gây biến chứng và di chứng nghiêm trọng.

“Đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phụ nữ mang thai chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục từ sớm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Do đó, khám thai định kỳ và tuân thủ chỉ dẫn y tế là cách tốt nhất để ngăn chặn trẻ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bẩm sinh”, bác sĩ Trường khuyến cáo.

Phòng bệnh lây qua đường tình dục

Bác sĩ Thanh cho hay để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, người dân cần thực hiện chung thủy từ cả hai phía khi biết chắc chắn cả hai không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cả nam và nữ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, kiểm tra nam khoa, phụ khoa định kỳ để tầm soát. Khi thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần đến bác sĩ khám để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Khám sức khỏe tổng quát rất quan trọng

Bác sĩ Thanh cho biết trước khi có ý định mang thai, chị em cần đi khám sức khỏe tổng quát cũng như phụ khoa, chữa dứt điểm các bệnh viêm nhiễm vùng kín, phần phụ, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con sau này.

Trong thời gian mang thai cũng cần lưu ý đến việc khám phụ khoa. Nếu sản phụ mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai có thể truyền sang con. Bệnh sùi mào gà ở thai phụ có thể gây chảy máu khó cầm, phải mổ lấy thai. Việc điều trị phụ khoa cho phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ cân nhắc cẩn trọng để chọn cách phù hợp nhằm không ảnh hưởng tới thai nhi.

Tại sao trẻ sơ sinh mắc bệnh lây qua đường tình dục? - Ảnh 2.Lạ kỳ trẻ sơ sinh đột tử do đột biến gen

TTO – Tại Pháp, mỗi năm có khoảng 250 trẻ dưới một tuổi đột tử không rõ nguyên nhân. Đây là tỷ lệ cao đứng hàng thứ ba sau các ca tử vong sơ sinh do nhiễm trùng và dị tật bẩm sinh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *