Hôm nay 8-10, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.
Theo phía ủy ban, sự kiện này nhằm “nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán trong xây dựng chính sách pháp luật”.
Nâng cao minh bạch, xử nghiêm gian lận, quy rõ trách nhiệm
Tại sự kiện, đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết qua hơn 3 năm thực thi, Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Từ đó đóng góp nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của thị trường, đã phát sinh một số bất cập và vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật. Cần xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Việc này nhằm kịp thời khắc phục hạn chế và rủi ro, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 vấn đề cơ bản. Đầu tiên là liên quan đến các quy định để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.
Tiếp đến, hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Song song đó, sửa đổi và bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lãnh án tù vì thao túng chứng khoán
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án thao túng chứng khoán bị phanh phui, xét xử hình sự. Điều này góp phần tăng tính răn đe, hạn chế hành vi nhũng nhiễu thị trường.
Điển hình, tháng 8-2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố 7 người về hành vi thao túng cổ phiếu CMS của Tập đoàn CMH Việt Nam. Nhóm này do Trần Bình Minh (sinh năm 1982) cầm đầu. Bên cạnh việc dùng nhiều tài khoản chứng khoán để mua – bán mã CMS, nhóm còn dùng các tài khoản trên Zalo và Telegram để hô hào, định hướng quyết định của các nhà đầu tư khác.
Phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định nhóm đã bán thu lời hơn 10 tỉ đồng, riêng cá nhân ông Minh thu lời 5,5 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế, phí).
Đáng chú ý, trên thị trường, Trần Bình Minh tự xưng là “thầy” với 18 năm kinh nghiệm đầu tư chứng khoán thực chiến, sáng lập nhiều kênh đầu tư tài chính và bất động sản với hơn 1 triệu tài khoản theo dõi.
Trước đó, giới đầu tư chứng kiến hai vụ án rúng động, nhiều người bị trả giá với hành vi sai trái.
Đầu tiên là vụ ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông còn kéo theo hai em gái là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS) bị lãnh mức phạt lần lượt 14 năm tù và 8 năm tù.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc cựu chủ tịch Tập đoàn FLC liên đới với bà Trịnh Thị Minh Huế bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét đã phán quyết phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân – cựu chủ tịch Louis Holdings 4 năm tù. Bị cáo Nhân và bị cáo Đỗ Đức Nam – tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt, đã bàn bạc chiến thuật thao túng giá cổ phiếu BII và TGG. Từ đó nhóm thu lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng.
Trong bối cảnh trên, việc Luật chứng khoán được sửa đổi và bổ sung theo hướng nghiêm ngặt hơn, sẽ góp phần bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp tốt hơn.