Ngày 8-10 Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3-2024. Kết quả phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp.
Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược công tác của mình để ứng phó với giá vé máy bay ngày càng tăng.
Hơn 40% người tham gia khảo sát cho biết họ đã chọn lọc hơn trong việc lập kế hoạch công tác hoặc sử dụng các phương tiện di chuyển thay thế do chi phí đi lại cao, trong khi một số doanh nghiệp đã cắt giảm hoặc thậm chí hủy bỏ hoàn toàn các chuyến công tác.
Dù phải đối mặt với những trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Gần một nửa doanh nghiệp tin kinh tế sẽ sáng hơn
Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, với thiệt hại ước tính lên tới 1,63 tỈ USD.
Theo dự báo, GDP năm 2024 của Việt Nam có thể giảm 0,15%. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của EuroCham, được thực hiện từ ngày 12 đến 25-9 ngay sau khi bão xảy ra, cho thấy một tín hiệu lạc quan khi gần 50% các doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế sẽ cải thiện trong quý tới.
Trong dài hạn, 69,3% doanh nghiệp vẫn kỳ vọng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong vòng 5 năm tới.
Khảo sát của EuroCham cũng cho thấy 67% doanh nghiệp Châu Âu coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, bất chấp những thách thức vận hành.
Sự quan tâm đến năng lượng tái tạo và chuyển đổi xanh đang gia tăng mạnh mẽ sau khi nghị định về cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành.
Gần 30% doanh nghiệp dự đoán sẽ được hưởng lợi từ các dự án năng lượng xanh. Bên cạnh đó, 46,1% doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI/ML) trong hoạt động kinh doanh của họ, một xu hướng cho thấy tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi số và tinh giản quy trình.
Ông Bruno Jaspaert, chủ tịch EuroCham, cho biết tác động của cơn bão cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và Diễn đàn triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024, diễn ra từ ngày 21 đến 23-10, là một nền tảng kịp thời để thúc đẩy những đối thoại cần thiết về cách Việt Nam có thể duy trì tính cạnh tranh trong khi chuyển đổi sang một tương lai xanh và bền vững hơn.
Khảo sát BCI của EuroCham được thực hiện bởi Decision Lab nhằm thu thập và phân tích thông tin từ mạng lưới 1.400 thành viên của hiệp hội. Báo cáo hàng quý này đóng vai trò như một thước đo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm cung cấp những thông tin kịp thời về bối cảnh kinh doanh tại một trong những thị trường năng động nhất Đông Nam Á.
BCI đưa ra góc nhìn đa chiều về các điều kiện hiện tại và kỳ vọng trong tương lai đối với nền kinh tế, từ đó, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược và vận động chính sách.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là một trung tâm chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực chuyển đổi xanh và số hóa sẽ là yếu tố then chốt để duy trì tính cạnh tranh, phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Các vấn đề như gánh nặng hành chính, khó khăn trong xin giấy phép và những thách thức liên quan đến lao động nước ngoài vẫn là trở ngại lớn nhất. Tuy nhiên, sự kiên cường và khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn.