Hà Dữ Danh từng là nhân vật gây xúc động mạnh mẽ trong mùa Tiếp sức đến trường năm 2022. Lúc đó Danh vào đại học với nỗi chênh vênh khi không nhà cửa, cha mất từ năm 4 tuổi, mẹ đang ở trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Con còn khó nhưng con muốn san sẻ, thầy ơi”
Bên hành lang lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Huế chiều 9-10, thầy Nguyễn Thiện Tống, mạnh thường quân đặc biệt nhiều năm của chương trình học bổng nhân văn này, đưa cho chúng tôi tin nhắn của người mà thầy nói là “cậu bé nghèo nhưng giàu lễ hiếu”.
Trong tin nhắn gửi người từng giúp đỡ mình, Hà Dữ Danh nói rằng cậu đang học năm thứ 3 Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Nghe tin sắp tới lễ trao học bổng cho tân sinh viên khó khăn như mình, Danh nói đã dành được khoản tiền nhỏ để gửi cho thầy Tống cùng san sẻ.
“Con còn rất khó khăn, nhưng dẫu sao cũng đã học được qua năm thứ 3 đại học. Con mang ơn thầy và các mạnh thường quân. Con xin gửi thầy một chút tiền để giúp đỡ các em sinh viên khó khăn. Kính mong thầy đón nhận tấm lòng của con, sau này có thêm thì con sẽ giúp thêm” – tin nhắn của Danh gửi thầy Tống. Kèm theo tin nhắn là số tiền 200.000 đồng chuyển qua tài khoản.
Thầy Tống “khoe” rằng làm học bổng nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên thầy nhận được một “suất” học bổng đặc biệt, của một mạnh thường quân đặc biệt và cũng trong câu chuyện đầy đặc biệt như thế.
“Từ lúc nhận học bổng năm 2022, Danh thường xuyên liên lạc với tôi. Cháu báo cáo kết quả học tập, nói về những ước mơ dự định của mình cùng hỏi han sức khỏe tôi. Dù mồ côi, mẹ tâm thần nhưng Danh rất hiểu chuyện và hiếu lễ” – thầy Tống nói.
Thầy Tống kể rằng năm 2022 khi soát danh sách học bổng, thầy nhìn thấy tên Danh trong bảng kê với mấy dòng thương cảm. Danh mất cha từ 4 tuổi, mẹ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế để điều trị tâm thần. Từ nhỏ Danh cũng được nuôi trong mái ấm tình thương.
Chuyện của Danh buồn hơn khi trước khi Danh vào đại học, người anh trai của cậu trúng tuyển vào Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM nhưng học hết năm 1 thì đành phải bỏ vì không có tiền theo tiếp.
Luôn mang ơn những người đã giúp đỡ mình
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại từ Đà Nẵng, Danh cho biết sau khi được nhận suất học bổng 15 triệu đồng, Danh đã đóng chi phí nhập học. Khoản tiền này như phao cứu sinh giúp Danh đi qua những ngày khó khăn nhất.
Khi được thành sinh viên, Danh ở trong ký túc xá. Ngoài thời gian học, chàng trai mồ côi cha này dành thời gian để đi bưng bê cà phê, phục vụ nhà hàng, giao đơn cho đơn vị chuyển phát bưu phẩm. Mọi nỗ lực đều hướng tới mục tiêu lớn nhất là cầm được tấm bằng đại học để ra trường.
Dù khó khăn, Danh nói rằng hiện tại mình đã vững vàng, biết được cách tồn tại trong gian khó, thành tích học tập các năm đạt loại khá.
Danh cũng nói rằng hiện mẹ mình – bà Đoàn Thị Hương – vẫn đang được ở trong Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế để điều trị tâm thần, hai anh em vẫn không nhà cửa. Thỉnh thoảng anh chạy từ Đà Nẵng về thăm mẹ.
Thấy con trai mình ngày càng cứng cỏi, bà Hương lần nào cũng khóc, nhưng bà không đủ tỉnh táo để biết những gì con mình đang đi qua.
Về “suất” học bổng 200.000 đồng gửi thầy Nguyễn Thiện Tống, Danh nói rằng vẫn luôn trăn trở và ao ước một ngày nào đó sẽ có tiền để giúp đỡ các tân sinh viên khác từng khó khăn như mình.
Khi biết thầy Tống đang gom góp tiền để chuẩn bị cho chương trình Tiếp sức đến trường tân sinh viên Huế, Quảng Ngãi, Danh dành dụm được 200.000 tiền từ khoản đi làm gia sư và gửi cho ân nhân của mình.
“Mình mang ơn thầy Tống và các mạnh thường quân. Nếu không có suất học bổng năm 2022 thì bây giờ mình sẽ không thể là sinh viên đại học.
Mình sẽ cố gắng học thật tốt, phải thật mạnh mẽ để tới ngày ra trường đi làm. Lúc đó kiếm được tiền sẽ giúp nhiều hơn cho các tân sinh viên” – Danh nói.
Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi – Thực hiện: NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TRINH TRÀ