Quảng Nam chuyển 222 tỉ đồng từ dự án chậm giải ngân sang tiến độ giải ngân tốt

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng (thứ 3 từ trái qua), tổ trưởng Tổ công tác số 1 đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kiểm tra một dự án ở huyện Núi Thành – Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

Chiều 9-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý 4-2024.

GRDP tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này (GRDP) ước tính 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023, riêng quý 3 tăng 12,7%, xếp vị thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,22 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế (9 tháng năm 2023 là -20,9%). 

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ vào quý 3 với mức tăng trưởng 31,8%. Ước thu ngân sách nhà nước 9 tháng gần 14.435 tỉ đồng, đạt 61,2% dự toán.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884 tỉ đồng, đến nay tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch cho các ngành và địa phương là hơn 6.600 tỉ đồng, đạt 94%.

UBND tỉnh cũng thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Qua đó thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 là 222 tỉ đồng đối với các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, nhằm nâng cao tỉ lệ giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Tính đến ngày 30-9 tỉnh đã giải ngân 3.678 tỉ đồng, đạt 41,4% kế hoạch vốn của năm nay.

Quảng Nam điều chuyển 222 tỉ đồng từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt - Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ vào quý 3 với mức tăng trưởng 31,8% – Ảnh: LÊ TRUNG

Tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiệm vụ trọng tâm quý 4, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các dự án trọng điểm, dự án bất động sản, du lịch,… sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8.

Ông Lê Văn Dũng – chủ tịch UBND tỉnh – cho biết tỉnh đã có nhiều cách làm, phân loại ra từng loại hình doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tỉnh này cũng tiếp tục tổ chức kiểm tra, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. 

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng cơ bản, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm.

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng đến nay đã có doanh nghiệp nào vào đầu tư sân bay Chu Lai, ông Lê Văn Dũng – chủ tịch UBND tỉnh – cho biết trước đó tỉnh đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận số 135 của Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai. Nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chính thức, chỉ có một vài nhà đầu tư vào nghiên cứu, thấy khó khăn quá nên dừng.

Vừa qua sau chuyến đi của Thủ tướng làm việc tại Ấn Độ, có một tập đoàn của nước này nghiên cứu tiền khả thi về đầu tư sân bay này.

“Sân bay Chu Lai được đánh giá là một trong ba sân bay lớn nhất của cả nước hiện nay về không gian, diện tích, bởi còn hơn 2.000ha là đất sạch, đất nhà nước đang quản lý chưa giao cho ai cả.

Đây là điều thuận lợi nhất cho việc đầu tư sân bay này trở thành sân bay quốc tế, đặc biệt là nơi trung chuyển hàng hóa lớn nhất nước. Tỉnh sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế xã hội trong tương lai nếu làm được” – ông Dũng nói thêm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *