Gần đây, mạng xã hội lan truyền trào lưu uống nước chanh, mía, sả, gừng thêm chút muối biển, kết hợp thêm nước râu ngô lợi tiểu để chữa suy thận, thậm chí có thể “dẹp luôn máy chạy thận”.
Bài đăng này đã thu hút hàng ngàn lượt thích, rất nhiều người để lại bình luận xem đây là phương pháp hữu ích.
Cẩn thận “tiền mất tật mang”
Trước thông tin này, dược sĩ Trần Xuân Thuyết (nguyên dược sĩ cao cấp Công ty Dược liệu Trung ương I) cho biết không có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định chỉ uống nước chanh, mía, sả, gừng… sẽ chữa khỏi được bệnh, kể cả bệnh suy thận.
Ngoài ra, nước mía rất ngọt, chứa nhiều đường, đường lại thuộc top thực phẩm “cần hạn chế” của những người mắc bệnh tiểu đường.
Vì vậy những bệnh nhân có tiền sử mắc căn bệnh này tốt nhất không nên uống nước mía để duy trì lượng đường huyết trong cơ thể luôn ở mức ổn định, tránh để bệnh càng thêm trầm trọng.
Dược sĩ Thuyết phân tích gừng là vị thuốc trong đông y để ôn ấm tỳ vị. Gừng có thể được sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn, hoặc làm mứt, pha trà gừng… Theo y học cổ truyền, dùng gừng vào buổi sáng có lợi cho sức khỏe nhưng dùng buổi tối đôi khi có hại cho sức khỏe.
Sả cũng là vị thuốc trong đông y có tác dụng chủ yếu trên tỳ vị và cũng có tính ôn ấm. Chiết xuất từ cây sả ra được nhiều tinh dầu.
Cũng đề cập đến vấn đề này, lương y Trần Văn Quảng, ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y Việt Nam, cho hay trong đông y, thận suy tức là suy kiệt, thận đã yếu rồi, nếu còn dùng nhiều lợi tiểu sẽ dẫn đến bại thận nguy hiểm.
Các vị thuốc kể trên đều có tác dụng lợi tiểu, nếu người bệnh thận dùng sẽ khiến thận càng hỏng thêm. Khi thận suy kiệt thì phải bổ thận lên cho khỏe, không được kích dương, phải bổ từ từ để hồi sức lại.
“Khi có bệnh phải đi khám chứ không được uống các bài thuốc chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng mà ‘tiền mất tật mang'”, lương y Quảng khuyên.
Nguyên tắc chung điều trị bệnh thận
Dưới góc độ y học, bác sĩ Hồ Mạnh Linh, giám đốc Phòng khám đa khoa Medlatec Thanh Xuân, cho biết nguyên tắc cơ bản trong theo dõi điều trị bệnh thận mạn, tăng huyết áp là ăn nhạt – giảm muối.
“Từ đó có thể thấy phương pháp uống nước chanh, mía, sả, gừng và muối biển chữa suy thận là hoàn toàn sai lầm và có thể gây tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, kể cả ở người khỏe mạnh chưa có tiền sử bệnh thận, tăng huyết áp”, bác sĩ Linh nói.
Theo bác sĩ Linh, lượng natri (muối) dư thừa trong cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Natri trong muối có khả năng giữ nước, khiến cơ thể giữ lại nhiều nước hơn, từ đó làm tăng áp lực máu lên thành mạch máu, gây tăng huyết áp.
Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người đã có tiền sử tăng huyết áp hoặc bệnh thận mạn.
Ngoài ra người mắc bệnh thận mạn, tăng huyết áp thường kèm theo các rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu – bệnh xơ vữa động mạch, rối loạn thăng bằng kiềm toan.
Việc bổ sung các chất đường, acid không được theo dõi kiểm soát có thể làm trầm trọng hơn các rối loạn chuyển hóa đang có, gián tiếp tác động xấu đến tình trạng suy thận, tăng huyết áp.
Trước ý kiến cho rằng áp dụng việc uống nước chanh, mía, sả, gừng và muối biển sẽ chữa suy thận, không cần đến máy chạy thận, bác sĩ Linh cho rằng điều này là hoàn toàn sai lầm.
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đã được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định điều trị thay thế chức năng thận suy bằng một trong các phương pháp thận nhân tạo, ghép thận, thẩm phân phúc mạc đồng nghĩa với chức năng thận cũ của bệnh nhân đã suy giảm trầm trọng và không thể hồi phục.
Ở bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ chức năng cơ bản nhất của thận là lọc thải bỏ các chất độc, lượng nước, muối dư thừa khỏi cơ thể được đảm nhiệm bởi máy thận nhân tạo.
“Không có thuốc, thực phẩm chức năng hoặc phương pháp nào có thể thay thế ngoại trừ các phương pháp khác như ghép thận, thẩm phân phúc mạc ở bệnh nhân có chỉ định.
Việc bỏ lọc máu ở bệnh nhân đã có chỉ định thận nhân tạo chu kỳ là con đường ngắn nhất dẫn đến tử vong – tương tự như rút ống thở ở bệnh nhân đang điều trị thở máy”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Linh, bệnh thận mạn được chia thành các giai đoạn với các phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh thận mạn – suy thận giai đoạn từ 1 – 4 điều trị bảo tồn bằng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện.
Khi đã xác định bệnh thận giai đoạn cuối – giai đoạn 5 đánh dấu tình trạng thận gần như không còn bất kỳ chức năng nào và phải điều trị thay thế chức năng thận suy bằng thận nhân tạo, ghép thận, thẩm phân phúc mạc.
Ngoài điều trị căn bản vẫn cần duy trì thuốc kiểm soát huyết áp, các thuốc điều chỉnh các chức năng khác của thận mà máy lọc máu không thể thay thế được và chế độ ăn uống nghiêm ngặt có khác biệt với giai đoạn bảo tồn, đặc biệt là lượng muối, nước uống theo cá thể người bệnh được cân nhắc bởi các bác sĩ.
Cách lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân suy thận mạn
Người bệnh không nên: Ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, xúc xích, thịt hộp… Nếu muốn ăn các thực phẩm kể trên, cần kiểm tra lượng muối có trong thực phẩm và được tính toán cụ thể;
Ăn nhiều các thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều đạm như đậu đỗ vừng, lạc, giá đỗ, rau ngót, rau muống, rau dền;
Thêm muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối…) vào khi chế biến và nấu món ăn
Uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.
Người bệnh nên: Đưa nước vào cơ thể hạn chế theo mức độ đào thải của thận, lượng nước đưa vào cơ thể: thông thường bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 500ml nước.
Ăn nhạt, khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hằng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3g/ngày tương đương với 15ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể).
Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200g/ngày tùy theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn.
Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp như dưa chuột, bầu, bí, rau cải…
Nên ăn có mức độ các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật tùy theo mức độ suy thận.