Sự nghiệp lẫy lừng của ‘ông Vua’ Rafael Nadal

Rafael Nadal rất có duyên với mặt sân đất nện – Ảnh: REUTERS

Chiều 10-10, huyền thoại Rafael Nadal đã tuyên bố giải nghệ thông qua bài đăng trên X (trước đây là Twitter). Dù sa sút trong 2 năm trở lại đây, Rafa vẫn luôn được nhớ đến như là một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử với 22 danh hiệu Grand Slam cùng 2 HCV Olympic.

Ngôi sao tuổi teen khuấy đảo làng banh nỉ

Rafael Nadal sinh năm 1986 trong một gia đình giàu truyền thống thể thao tại Mallorca. Dù có người chú là cựu tuyển thủ Tây Ban Nha, Miguel Angel Nadal, Rafa cuối cùng đã chọn chơi quần vợt chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của một người chú khác, cũng là HLV đầu tiên của anh, Toni Nadal.

Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2001, Rafael Nadal đã gây chú ý dù chỉ là một tay vợt tuổi teen. Ở tuổi 18, anh đánh bại tay vợt số 1 thế giới Roger Federer tại Miami Masters 2004 trước khi hạ gục số 2 thế giới Andy Roddick tại Davis Cup.

Đến năm 19 tuổi, Nadal vô địch Roland Garros ngay lần đầu tham dự, giành 11 danh hiệu ATP và vươn lên xếp hạng 2 thế giới.

Sự nghiệp lẫy lừng của Rafael Nadal: ‘Vua mặt sân đất nện’ và những dấu mốc chói lọi - Ảnh 2.

Nadal tại giải Úc mở rộng năm 2004 – Ảnh: REUTERS

Năm 2008 đỉnh cao

Rafael Nadal đã trở thành tay vợt hàng đầu thế giới ở tuổi 20 và bắt đầu màn so kè nảy lửa với Roger Federer.

Liên tiếp năm 2006, 2007, Nadal chạm trán Federer ở chung kết Roland Garros và Wimbledon. Nhưng anh chỉ giành chiến thắng ở mặt sân đất nện sở trường và thất bại ở mặt sân cỏ tại Wimbledon. Vậy nên anh bị báo chí cho là chỉ có thế mạnh ở một mặt sân duy nhất.

Tuy nhiên năm 2008 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong sự nghiệp của Rafa. Tay vợt người Tây Ban Nha có lần thứ 4 liên tiếp vô địch Roland Garros trước khi đánh bại Roger Federer để lần đầu giành danh hiệu Wimbledon. 

Tiếp đà thăng hoa, Nadal sau đó thi đấu rực sáng tại Olympic Bắc Kinh, mang về tấm HCV quần vợt đơn nam cho đoàn thể thao Tây Ban Nha. Anh kết thúc năm với vị trí số 1 thế giới lần đầu tiên trong sự nghiệp.

Sự nghiệp lẫy lừng của Rafael Nadal: ‘Vua mặt sân đất nện’ và những dấu mốc chói lọi - Ảnh 3.

Danh hiệu Wimbledon đầu tiên của Nadal năm 2008 – Ảnh: REUTERS

Tay vợt sinh năm 1986 cũng chỉ mất thêm 2 năm nữa để trở thành người trẻ nhất hoàn tất Career Grand Slam (giành cả 4 danh hiệu Grand Slam và HCV Olympic) ở tuổi 24.

Trong giai đoạn 2010 – 2014, mỗi năm Nadal đều giành thêm ít nhất một danh hiệu Grand Slam. Dù sa sút trong năm 2015 và 2016, Rafa vẫn giành tấm HCV Olympic thứ 2 trong sự nghiệp. Anh cùng đồng hương Marc Lopez chiến thắng nội dung đôi nam tại Rio 2016.

Thành tích này tạo động lực để Rafael Nadal quay trở lại mạnh mẽ trong thời gian từ 2017 đến 2020. Anh giành danh hiệu Mỹ mở rộng thứ 4 và có lần thứ 13 lên ngôi tại Pháp mở rộng (Roland Garros).

Sự nghiệp lẫy lừng của Rafael Nadal: ‘Vua mặt sân đất nện’ và những dấu mốc chói lọi - Ảnh 4.

Rafael Nadal giành tấm HCV Olympic thứ 2 trong sự nghiệp tại Rio 2016 – Ảnh: GETTY

Đỉnh cao cuối cùng

Những năm qua những dấu hiệu tuổi tác bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Rafael Nadal. Anh gặp chấn thương ở cuối năm 2021, phải bỏ cuộc ở giải ATP Final.

Tay vợt người Tây Ban Nha sau đó trở lại mạnh mẽ trong năm 2022. Anh đánh bại Daniil Medvedev sau 5 set để vô địch Úc mở rộng lần thứ 2. Dù sau đó liên tục phải nén đau để thi đấu, Nadal vẫn khiến người hâm mộ nức lòng khi vô địch Pháp mở rộng lần thứ 14, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Đây là danh hiệu Grand Slam thứ 22 và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp của Rafa.

Sự nghiệp lẫy lừng của Rafael Nadal: ‘Vua mặt sân đất nện’ và những dấu mốc chói lọi - Ảnh 5.

Rafael Nadal khẳng định danh xưng “Vua sân đất nện” với danh hiệu Roland Garros thứ 14 – Ảnh: REUTERS

Hai năm sau đó Rafael Nadal tụt dốc phong độ vì chấn thương đầu gối. Anh rớt khỏi top 100 thế giới và gần như chỉ thi đấu vì tình cảm của người hâm mộ.

Đến ngày 10-10-2024, “ông vua sân đất nện” nói lời giã từ sự nghiệp. Quyết định này gây nhiều tiếc nuối cho làng banh nỉ.

“Một sự nghiệp vĩ đại đấy Rafa à! Cảm ơn vì những ký ức tuyệt vời chúng ta cùng tạo ra ở bộ môn yêu thích. Thật vinh dự khi được làm đối thủ của cậu!” – Roger Federer gửi đến đối thủ, cũng là người bạn thân Nadal.

Người còn lại trong “Big Three” là Novak Djokovic cũng dành những lời tri ân đối với Nadal. “Anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu đứa trẻ đến với quần vợt. Đó mới chính là thành tựu vĩ đại nhất. Sự kiên trì, cống hiến và tinh thần chiến đấu của anh trong hơn một thập kỷ qua sẽ trở thành di sản tồn tại mãi mãi” – Nole viết trên Instagram.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *