Ngày 11-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu và rào cản thương mại”, nhằm đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, sở ngành, doanh nghiệp và người nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản tính đến cuối tháng 9-2024, sản lượng giống cá bột ước đạt 23,6 tỉ con, cá giống ước đạt 3,41 tỉ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỉ con, cá giống đạt 4 tỉ con, vượt 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến đến năm 2025, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao sẽ cung ứng đủ cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, nhưng chỉ có 2 cơ sở được Cục Thủy sản cấp chứng nhận; có 97/1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống) được cấp giấy chứng nhận.
Năm 2024, số cơ sở ngưng hoạt động khá lớn, chiếm khoảng 1/5 tổng số cơ sở. Chưa có cơ sở nào đăng ký, thực hiện và được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Chỉ có 18 cơ sở thực hiện công bố hợp quy theo quy định.
Ông Phùng Đức Tiến – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết trong thời gian tới cần tăng cường các giải pháp liên quan đến công tác giống, thức ăn dinh dưỡng, dự phòng bệnh, an toàn sinh học và hạ tầng cũng như đội ngũ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng con giống cá tra.
Giao Cục Thủy sản siết chặt công tác quản lý giống, những cơ sở đủ điều kiện mới cấp giấy chứng nhận.
“Chúng ta cần tập trung tối đa cho giai đoạn hội nhập để nâng cao tầm vóc của ngành hàng, phấn đấu sản lượng 1,75-1,8 triệu tấn/năm, xuất khẩu trên 2 tỉ USD”, ông Tiến nói.