Chiều 11-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, lớn mạnh, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước…
Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh doanh nhân góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước.
Thúc đẩy cạnh tranh, là động lực để cùng nhau thăng tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đóng góp về kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có vai trò xã hội quan trọng, tích cực tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ những người yếu thế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, trong đó cho rằng đội ngũ doanh nhân vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Số lượng doanh nghiệp và doanh nhân so với dân số còn thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh những khó khăn do sự bất ổn và sụt giảm của thị trường toàn cầu, hoạt động kinh doanh của các doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn do nhiều rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân.
Chia sẻ với những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian qua nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi tích cực.
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ.
Dù vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đội ngũ doanh nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất.
Những vướng mắc về thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh chậm được sửa đổi, trong đó có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật.
Nguồn lực đất nước đang “đọng” rất lớn trong các quy hoạch treo, dự án vướng mắc thủ tục, tài sản đất công, trụ sở công không sử dụng, tài sản trong tranh chấp, kiện tụng, tài sản nằm trong các vụ án kéo dài… rất chậm được xử lý, giải quyết.
Tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam rất hứa hẹn
Để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao trong tầm nhìn 20 năm tới và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật.
Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số…
Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức.
Những tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển nhanh, năng động, cùng với cải cách thể chế và môi trường kinh doanh sẽ tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển.
Nhất là những người chưa phải là doanh nhân cũng có cơ hội khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân thành đạt.
Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định sự trỗi dậy của cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn, có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước.
Sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đến nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.