Khi bóc tách cấu trúc tăng trưởng để trả lời câu hỏi trên của Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Báu – nhà sáng lập, tổng giám đốc WiGroup – đơn vị cung cấp dữ liệu kinh tế có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay – cho rằng các con số chỉ ra doanh nghiệp dần phục hồi, nhưng chưa “giàu” lên nhanh như mức tăng trưởng…
Vì sao sau bão vẫn tăng trưởng cao?
* Tăng trưởng GDP của Việt Nam khi công bố có khiến ông bất ngờ?
– Số liệu GDP quý 3 được công bố, nhiều người bất ngờ bởi không ít quan điểm cho rằng cơn bão Yagi sẽ kéo lùi tăng trưởng nhiều địa phương phía Bắc, từ đó tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, với những người làm dữ liệu kinh tế và có thời gian va chạm nhiều với các con số như chúng tôi thì cũng không quá bất ngờ.
Có ba lý do chính:
Thứ nhất, công nghiệp và dịch vụ chiếm tới trên 80% tỉ trọng đóng góp, nông lâm ngư nghiệp thủy sản chỉ còn chiếm trung bình 11% và đang thu hẹp dần.
Nếu bão tàn phá thủ phủ công nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng sẽ rất lớn.
Nhưng nông lâm ngư nghiệp mới là khu vực thiệt hại nhất vừa qua. Con số thống kê cũng xác nhận khu vực này đã tăng trưởng chậm lại, chỉ còn 2,58% so với cùng kỳ.
Thứ hai, về cách tính GDP. Con số GDP công bố vào cuối quý 3 thì thực tế thường chỉ tổng hợp được đến tuần thứ 3 của tháng cuối quý. Còn tuần cuối cùng sẽ dùng ước tính.
Bão Yagi đổ bộ và gây thiệt hại lớn vào trung tuần tháng 9, vậy nên có thể mô hình ước tính sẽ chưa tính toán được chính xác thiệt hại do bão gây ra.
Mặt khác, theo nguyên tắc GDP chỉ tính trên giá trị gia tăng mới được tạo ra trong kỳ chứ không tính trên giá trị tài sản tích lũy. Bão tàn phá nhà cửa, tàu bè, phương tiện sản xuất, hạ tầng… những thứ vốn dĩ không được tính vào GDP trong kỳ.
Hậu quả khi phương tiện sản xuất và hạ tầng bị phá hủy sẽ tác động đến thu nhập trong tương lai, con số này có thể phản ánh rõ hơn vào quý 4.
Với định hướng đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, tăng tốc xuất khẩu, điểm tích cực là tăng trưởng Việt Nam không còn biến động lớn vì thiên tai, bão lũ, lụt lội như trước.
Cẩn thận tiêu dùng trong nước có tốc độ tăng yếu đi
* Ông có thể chia sẻ rõ hơn, từ dữ liệu bóc tách, ông thấy vấn đề đáng “lo” là gì?
– Việt Nam có 2 kỳ GDP tăng trưởng ấn tượng nhưng dường như quanh chúng ta vẫn luôn là những lời “than” khó, vậy điều gì đang diễn ra? Dựa trên dữ liệu và quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng có hai lý do.
Thứ nhất, xuất khẩu đang đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế và tăng trưởng ấn tượng trong 2 quý vừa qua phần nhiều được quyết định bởi khu vực này.
Khu vực này trong 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng rất mạnh, lên tới 15,4% so với cùng kỳ. Trong khi tiêu dùng trong nước đang có tốc độ yếu đi rõ rệt khi chỉ còn tăng trưởng 8,7% so với bình quân 11-12% mỗi năm.
Song vấn đề là xuất khẩu của Việt Nam hiện nay lại do các doanh nghiệp FDI làm chủ cuộc chơi khi họ chiếm tới 72% kim ngạch xuất khẩu.
Thứ hai, đó chính là tầm ảnh hưởng của thị trường bất động sản đối với sức khỏe tài chính và tâm lý tiêu dùng người dân rất lớn.
Có thể thu nhập từ đi làm đã phục hồi nhất định nhưng nguồn thu hoặc những gánh nặng từ nhà đất vẫn đang bủa vây gia sản của họ.
Khi người ta cảm nhận mình nghèo đi thì điều đầu tiên họ làm là thu hẹp chi tiêu. Như vậy những khó khăn ở thị trường bất động sản đã tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong nước và nền kinh tế thực.
Như vậy nếu nền kinh tế ngày càng bị bủa vây bởi FDI và bất động sản thì ngắn và trung hạn nhiều số liệu sẽ không còn phản ánh chính xác, gây sai lệch về quyết định điều hành.
Mong doanh nghiệp sẽ được lắng nghe nhiều hơn, môi trường kinh doanh ổn định
* Vậy là doanh nhân, doanh nghiệp Việt, người Việt chưa giàu lên tương ứng như cách báo ngoại này nói về tăng trưởng như “tên lửa” của chúng ta?
– Trong nền kinh tế, sẽ có khu vưc phục hồi tốt, có nơi còn khó khăn. Nhưng để nói người Việt có đang giàu lên thực sự khi nhìn vào mức tăng trưởng GDP được ví là “thần kỳ”, thì rất nhiều điều đáng bàn.
Về phía người dân có lẽ sự suy giảm trong số liệu tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng xa xỉ đã cho chúng ta thấy một phần thực tế.
Về phía doanh nghiệp thì số liệu về doanh nghiệp giải thể, đóng cửa và mở mới cũng sẽ phần nào xác nhận thêm những khó khăn của nhóm này.
Về tổng số vốn đăng ký có sự tăng trưởng nhẹ trong 9 tháng đầu năm nay nhưng tiếp tục xu hướng suy giảm trong 5 năm vừa qua. Nếu doanh nghiệp thấy cơ hội kinh doanh có lẽ chúng ta đã không có con số này.
Dữ liệu: Sách trắng doanh nghiệp 2024 do Tổng cục Thống kê công bố
Bất động sản càng tăng giá, khí thế đi buôn bất động sản càng “hừng hực”, số người muốn dấn thân vào làm ăn sản xuất kinh doanh càng ít đi.
Khách quan thì khu vực FDI tăng trưởng sẽ góp phần rất lớn tăng trưởng cả nền kinh tế nói chung, đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người dân và mang lại cơ hội kiếm tiền cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong chuỗi liên kết.
Nhưng đất nước giàu có, thịnh vượng vẫn cơ bản phải dựa trên nội lực, tự lực.
Muốn giảm phụ thuộc vào FDI, cần tăng được nội lực trong nước trước, và việc quan trọng cần làm mạnh đó là thoát khỏi sự “dựa dẫm” vào bất động sản và tín dụng ngân hàng.
Nhưng tư duy bất động sản đã bám sâu vào suy nghĩ của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Ai kinh doanh mảng gì, cuối cùng được chút ít tích lũy cũng dịch chuyển dần sang bất động sản, lý do là bất động sản khả năng sinh lời cao và ở Việt Nam thì chỉ có kênh này mới hấp thụ được lượng vốn lớn.
* Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, bản thân anh vừa là doanh nhân, vừa là người cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các cộng đồng doanh nghiệp, anh có chia sẻ gì?
– Tôi chỉ mong giới doanh nhân Việt Nam luôn vững tin vào con đường mình đã chọn. Bởi phía trước của các doanh nhân là tương lai đất nước, phía sau của họ là cơm ăn áo mặc của bao nhiêu gia đình.
Mong rằng doanh nghiệp sẽ được lắng nghe và tạo điều kiện hơn về chính sách, thủ tục và môi trường kinh doanh ổn định, an tâm cống hiến tâm huyết, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, xã hội, gia đình!
* Trân trọng cảm ơn anh.