Nhân dịp Ngày Doanh nhân 13-10, Tuổi Trẻ đã có những cuộc chia sẻ với lãnh đạo doanh nghiệp (DN), lắng nghe những tâm tư, chia sẻ và cả những kế hoạch đầu tư, mở rộng, bước ra thế giới đầy “khí thế” của họ.
* Ông Đào Trọng Tuyên (tổng giám đốc Công ty CP du thuyền 5 sao Tuần Châu):
Giữ nghề cốt lõi, lợi nhuận có mỏng nhưng bền vững
Số liệu tăng trưởng GDP quý 3 vừa công bố rất cao, nhưng thực sự chất lượng tăng trưởng là không đồng đều, nhiều DN trong nước còn rất khó khăn. Chúng tôi là một trong nhiều đơn vị bị ảnh hưởng lớn do cơn bão Yagi. Việc khôi phục lại tàu thuyền hư hỏng vẫn đang tiến hành, hết tháng 10 này mới hoàn tất.
Không chỉ vậy, khi bão ập vào, tỉ lệ hủy tour khá lớn. Tháng 10 trở đi là mùa đón khách quốc tế, nên tác động từ cơn bão sẽ còn âm ỉ, lâu dài. Gần cả năm nay, những người làm du lịch vẫn thấy còn khó, lượng khách trong nước và khách quốc tế đều chưa như kỳ vọng.
Kinh tế khó khăn, thiên tai bão lũ, căng thẳng địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới liên miên. Chi tiêu, sức tiêu dùng kém đi nhiều. Chi phí mọi thứ tăng lên hết nhưng giá bán ra không tăng mà còn giảm mới có khách. Để vượt khó khăn, những gì cơ bản cần làm chúng tôi đã làm nhưng khó khăn không biết đến bao giờ, không ai dự báo trước được.
Nhiều người nói buôn đất giờ giàu lắm, còn làm kinh doanh sản xuất khó khăn, lãi mỏng mà còn lo lỗ. Nhưng mỗi người mỗi chuyên môn, một công việc, một sở trường. Ai cũng đi buôn đất rồi lấy ai làm kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Khi kinh tế thuận lợi, DN có thể đầu tư thêm ngành này ngành khác. Nhưng những lúc kinh tế khó khăn, kém thuận lợi, tôi nghĩ nên chọn làm cái gì cốt lõi nhất mà mình sở trường làm tốt. Làm sản xuất, dịch vụ biên lợi nhuận thấp nhưng bền vững. Còn đất cát không cẩn thận “hớt váng”, bài học với nhiều người rồi.
* Ông Trần Văn Lĩnh (chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước):
Mỗi doanh nhân một sứ mệnh
Mức tăng trưởng chín tháng đầu năm nay cao nhưng nhìn vào số liệu DN rút lui khỏi thị trường vẫn tăng rất cao, cho thấy một bộ phận không nhỏ còn rất khó khăn.
Chúng tôi là DN trong top 10 DN thủy sản lớn nhất Việt Nam nhưng biên lợi nhuận ngành này rất mỏng. Mua 1kg tôm nguyên liệu trong nước chênh với giá nhập khẩu khoảng 1-2 USD. Nhưng DN vẫn phải tìm mua trong nước, giá nguyên liệu thực sự “đau đầu” vì nó chiếm 60% giá thành.
DN Việt đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến nhưng khâu nuôi tôm lại đang yếu thế so với các đối thủ khác. Ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, con tôm nói riêng, cần sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, quy hoạch, hướng tới sự bền vững và hiệu quả. Nếu cứ làm manh mún thì rất khó.
Không chỉ riêng với thủy sản hay ngành nông nghiệp, với cả nền kinh tế nói chung, tôi cho rằng bên cạnh việc phấn đấu “con số”, cần quan tâm hơn chất lượng tăng trưởng. Cần có những chỉ tiêu rõ ràng hơn để đánh giá chất lượng tăng trưởng, đo đếm môi trường làm việc của người lao động tốt hơn chưa, niềm tin DN tăng cao hơn không.
Cuối cùng, tăng trưởng cũng là để hướng tới mức sống người dân tăng lên theo hướng bền vững hơn. Tăng trưởng cao nhưng thật băn khoăn khi vẫn còn thiếu sự đột phá từ những ngành công nghệ, kỹ thuật cao… Tăng trưởng chủ yếu còn dựa vào FDI, bất động sản.
Doanh thu lớn nhưng lãi bị bào mòn khi chi phí nguyên liệu tăng chóng mặt, lãi vay, nhiều thời điểm khó khăn để cân đối dòng tiền nhưng việc của DN là phải đảm bảo duy trì công ăn việc làm cho người lao động, lợi tức chia sẻ cho cổ đông.
* Ông Phạm Đức Toản (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản EZ – EZ Property):
Giá đất tăng cao, DN bất động sản cũng khổ
GDP tăng trưởng cao nhưng khối FDI vẫn là trụ lực của tăng trưởng, xuất khẩu phần lớn do FDI. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là ngành chiếm tỉ trọng lớn, có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Bất động sản tăng giá quá “nóng” ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, kinh tế. Giá đất cao dẫn đến chi phí cho thuê cao, đầu vào DN sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Tiền bạc cứ dồn vào bất động sản, trong khi sản xuất mới đem lại thịnh vượng, giàu có thực sự cho xã hội, người dân, DN.
Giá đất tăng cao gây khó cho cả những DN làm bất động sản. Nếu như trước đây các chủ đầu tư có cơ hội biên lợi nhuận tốt từ dự án thì sắp tới sẽ rất khó khăn, thậm chí làm còn lỗ vì tiền sử dụng đất tăng cao. Chưa kể chi phí đầu tư, thủ tục ngày càng kéo dài, phức tạp hơn…
Nhìn chung, thị trường giờ rất “tréo ngoe” và bản thân những người làm DN bất động sản như chúng tôi cũng rất “tâm tư”. Nguồn cung không có, giao dịch ảm đạm nhưng giá rất cao.
Trước tình cảnh này đã xuất hiện ngay “cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” với hơn trăm nghìn thành viên tham gia, số lượng vẫn chưa dừng lại.
Kỳ vọng thời gian tới việc phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần triệt để hơn nữa. Thúc đẩy tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, dự án, đặc biệt các dự án quy mô lớn cần được đẩy mạnh.
* Ông Nguyễn Bá Luân (Founder & COO Stringee):
Nguồn vốn từ các quỹ đầu tư là vô cùng cần thiết
Chúng tôi đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh về doanh thu và liên tục mở rộng sản phẩm cũng như thị trường. Về sản phẩm, chúng tôi vẫn đang đầu tư rất nhiều vào R&D để nâng cấp các sản phẩm hiện tại nhưng cũng đang dự kiến ra mắt dòng sản phẩm mới trong thời gian sắp tới.
Cũng như nhiều DN công nghệ khác, chúng tôi đặt mục tiêu và thực hiện hóa “go global”, dù còn nhiều khó khăn. Stringee đã thâm nhập thị trường Ấn Độ vào tháng 9-2023, đã có những khách hàng đầu tiên trong đó có các khách hàng lớn từ 400 đến 500 nhân viên.
Tháng 5 vừa rồi, Stringee mở rộng kinh doanh ra các nước trong ASEAN với khởi đầu là Thái Lan.
Để đẩy nhanh các hoạt động trên, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư là vô cùng cần thiết. Nó giúp chúng tôi phát triển sản phẩm tốt hơn, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và thâm nhập thị trường nước ngoài nhanh chóng hơn.
Các quỹ đầu tư không tham gia sâu vào việc điều hành DN tại Stringee. Tuy nhiên họ vẫn thường xuyên tư vấn giúp chúng tôi về các vấn đề quản trị, sản phẩm, thị trường thông qua các cuộc họp hằng tháng, hằng quý.
Chúng tôi đang gọi vòng cầu nối (Pre-series B) khoảng 2-3 triệu USD để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở các thị trường nước ngoài. Sau đó, dự kiến cuối 2025 chúng tôi sẽ gọi vốn series B với số vốn ước tính khoảng 15-20 triệu USD.
* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):
Doanh nhân Việt vẫn đang nỗ lực vượt khó, phục hồi
Mức tăng trưởng GDP khá cao của quý 3 năm nay là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp chủ chốt và các chính sách kinh tế hiệu quả của Chính phủ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP của Việt Nam trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi khu vực DN trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, các DN trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các DN FDI, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nhiều doanh nhân Việt vẫn đau đáu bài toán thiếu vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến, dẫn đến năng suất thấp và chi phí sản xuất cao. Ngoài ra, các DN nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, như cơn bão số 3 trong tháng 9, gây thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, nội thất và sắt thép đang gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh trên toàn cầu. Giá dầu thế giới tăng và tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong nước đã làm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất. Lãi suất tăng nhanh khiến chi phí vốn sản xuất của nhiều DN tăng cao, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, đã tạo ra nhiều bất lợi cho DN trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Dịch bệnh đã gây ra nhiều gián đoạn trong chuỗi cung ứng và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Để vượt qua những thách thức này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần tự mình tìm kiếm giải pháp sáng tạo như đẩy mạnh thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ, tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra.