Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Cùng với các chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, các doanh nhân cũng cho rằng Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Ông Phạm Văn Việt (chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jeans):
Nỗ lực vượt qua khủng hoảng
Trong 4 năm qua, các doanh nhân trải qua liên tiếp những cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ COVID-19, kế đến là suy giảm sức mua, đứt đoạn dòng tiền, khủng hoảng kinh tế và những hệ lụy của xung đột vũ trang trên thế giới…
Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng tôi dừng lại mà luôn nỗ lực để giữ cho nhà máy vẫn sản xuất, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, không có đơn hàng lớn thì tìm đơn hàng nhỏ, không có sản phẩm lợi thế thì thích ứng để nhận những đơn hàng thời vụ… miễn duy trì công việc.
Tới bây giờ, có thể nói ngành dệt may nói chung và doanh nghiệp của tôi nói riêng đã dần phục hồi đơn hàng.
Đến hết quý 3, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 28 tỉ USD và mục tiêu về đích 44 tỉ USD rất khả thi.
Đối diện những thách thức mới, nhất là các rào cản xanh khi xuất khẩu vào EU, ngành dệt may đã chủ động thay đổi công nghệ, giảm phát thải, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh bắt buộc.
Ở một số quốc gia phát triển, đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP thậm chí chiếm đến 87%, trong khi ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 45%.
Do đó, chúng tôi mong muốn có những cơ chế thông thoáng, hỗ trợ nhiều hơn nữa để kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào quy mô nền kinh tế đất nước, làm giàu cho quốc gia.
Ông Lê Văn Kiểm (chủ tịch Tập đoàn KN Holdings):
Mong đơn giản hóa thủ tục hành chính
Chúng tôi kỳ vọng rằng cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “made in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực.
Chúng tôi cũng mong rằng Nhà nước sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Đặc biệt, cần có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Về lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi được triển khai nhanh, thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện mặt trời nổi được ưu tiên triển khai.
Điều này không chỉ góp phần gia tăng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai, mà còn thu hút các tập đoàn lớn mong muốn sử dụng năng lượng sạch để đạt được chứng nhận xanh cho sản phẩm của họ.
Ông Lê Hữu Nghĩa (tổng giám đốc Công ty Lê Thành):
Mong dứt tình trạng sợ trách nhiệm
Những gì mà doanh nghiệp đã tích lũy bao năm nay đã dùng hết trong thời COVID-19 và những năm qua.
Doanh nghiệp kỳ vọng nền kinh tế như lò xo bị nén lại, sau đó sẽ bung và phát triển nhưng không ngờ sau dịch bệnh là lạm phát trên thế giới, chiến tranh rồi sau đó thị trường bất động sản đóng băng, khiến mọi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp không hoạt động nhưng chưa làm các thủ tục đóng cửa, giải thể nên có thể con số doanh nghiệp “chết lâm sàng” nhiều hơn số đã thống kê.
Với các doanh nghiệp lớn, khi đóng cửa sẽ khiến nhiều người mất thu nhập, thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội.
Còn doanh nghiệp mới thành lập cần thời gian dài để phát triển, chưa tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và sức chống chịu cũng còn yếu.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đầu tiên về mặt thủ tục, luật vướng là một phần, nhưng vướng ở khâu con người thực thi chính sách là điều cần khơi thông.
Thời gian qua cán bộ lo ngại, sợ sai khiến nhiều doanh nhân gặp khó. Cho nên, bên cạnh nỗ lực vượt khó của doanh nhân, chúng tôi cũng mong muốn nhìn thấy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Đăng An (phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group):
Cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh
Kinh tế xanh, phát triển bền vững và chuyển dịch năng lượng đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là ngành năng lượng.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng đối với ngành năng lượng cao vào tốp đầu thế giới, nhưng không phải doanh nghiệp Việt nào cũng được đồng hành với sự phát triển đó.
Các dự án điện gió, điện mặt trời đều dùng thiết bị nước ngoài, thậm chí có những dự án nhà thầu xây lắp cũng là nước ngoài.
Hàng chục tỉ USD đã được dùng chỉ để mua sắm thiết bị, máy móc trong khi nếu có sự chuẩn bị, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này.
Do đó, cần có tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chính sách để việc phát triển hạ tầng năng lượng phải song hành với sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt, đừng để doanh nghiệp Việt lép vế ngay trên sân nhà.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất có thể phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép, tức kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận.
Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững, thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Doanh nghiệp Việt cần được tiếp thêm sức mạnh
Các doanh nhân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước một thời khắc mà thách thức và cơ hội đan xen, đòi hỏi doanh nhân phải vươn lên để tận dụng cơ hội.
Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường và người tiêu dùng về phát triển bền vững, hàng rào kỹ thuật xanh… đòi hỏi phải tìm ra sự khác biệt để có chỗ đứng.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp mong mỏi nhận được sự hỗ trợ, động viên từ người tiêu dùng Việt trong và ngoài nước đối với hàng Việt.
Doanh nghiệp chỉ có thể bay xa, vươn ra thế giới khi doanh nghiệp trụ vững ngay tại sân nhà với sự ủng hộ, tin yêu của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được những sự ủng hộ, trợ lực của Nhà nước, không phải bằng cơ chế “xin – cho” mà bằng cách thay đổi các cơ chế, chính sách để tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Với khát vọng vươn xa của doanh nghiệp, cộng thêm những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và trợ lực từ người tiêu dùng, từ chính sách kể trên thì doanh nghiệp và doanh nhân sẽ phát triển bền vững, có được chỗ đứng vững chắc trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam):
Hỗ trợ các doanh nhân trẻ lớn mạnh
Các doanh nhân mong muốn hành lang pháp lý, chính sách khi ban hành làm sao để ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, tránh tình trạng hiểu nhiều nghĩa.
Điều này giúp các cán bộ, công chức dễ làm, doanh nghiệp, doanh nhân cũng dễ thực thi.
Thời gian qua đội ngũ thực thi công vụ có tâm lý sợ sai, ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nhân trẻ là tương lai của kinh tế đất nước, nếu nhận được sự hỗ trợ, dìu dắt của các thế hệ đi trước, các bạn sẽ lớn mạnh với kỳ vọng trở thành những doanh nghiệp tạo ra được nhiều giá trị, nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Tuy nhiên các bạn lại gặp rào cản về thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra cho sản phẩm dịch vụ…
Các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu tài sản đảm bảo nên rất khó để ngân hàng cho vay, do đó cần những cơ chế đặc biệt, thông thoáng hơn trong cấp tín dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc cần có những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đủ lớn để các doanh nhân trẻ có thể tiếp cận.
Những thế hệ đi trước cần tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ với các doanh nhân trẻ từ tư vấn quản trị điều hành đến hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm, tạo những hệ sinh thái để các doanh nhân trẻ tham gia để tiếp thêm sức mạnh cạnh tranh trên thương trường.
Với bản thân doanh nhân, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, phải linh hoạt, nhạy bén và thích nghi để có thể thích nghi, tồn tại trong thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.