Điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1.000kW có thể không phải xin giấy phép

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ dự thảo nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sau khi đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Nghị định tiếp tục quy định việc khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư xây dựng đúng pháp luật.

Lắp đặt dưới 1.000kW chỉ phải thông báo 

Bên mua điện duy nhất với sản lượng điện dư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị thành viên được EVN ủy quyền. Việc lợi dụng phát triển điện mặt trời mái nhà để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác không đúng đối tượng đã quy định được xem là hành vi trái quy định.

Theo đó, dự thảo mới nhất tiếp tục đưa ra hai hình thức phát triển. Bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Với hình thức này, cá nhân, tổ chức không phải đăng ký mà chỉ cần thông báo kèm hồ sơ thiết kế đến Sở Công Thương địa phương; các cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy; đơn vị điện lực địa phương.

Loại hình điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ phải đăng ký theo quy định. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát, không phát điện dư lên hệ thống điện quốc gia. 

Hệ thống có công suất lắp đặt từ 100kW trở lên phải có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư và trang thiết bị, phương tiện kết nối và hệ thống thu thập, giám sát điều khiển, đảm bảo vận hành an toàn.

Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển nguồn điện này có công suất dưới 100kW thì được phát triển không giới hạn.

Tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 1.000kW phải thông báo với Sở Công Thương để theo dõi quy mô phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và điện lực địa phương.

Bán điện lên hệ thống không quá 20% công suất

Về chính sách khuyến khích, dự thảo đưa ra cơ chế với hệ thống không đấu nối với lưới điện quốc gia, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. 

Với hệ thống có đấu nối lưới điện, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải cấp giấy chứng nhận đăng ký. Loại hình này khi lắp đặt phải có hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống, thì được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Tổ chức lắp đặt hệ thống có công suất 1MW trở lên và lựa chọn bán điện tư phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Còn lại các trường hợp khác được miễn trừ.

Với hệ thống có công suất dưới 100kW và đấu nối hệ thống điện, nếu không dùng hết thì được bán điện lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bán điện dư sẽ bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện công bố.

Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà là khi phần công suất, công trình có lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Tổ chức cá nhân không tiếp tục phát triển và vận hành hoặc giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đăng ký. Nếu sau 60 ngày được cấp phép mà không hoàn thành lắp đặt cũng sẽ bị thu hồi giấy phép. 

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *