Trưa 8-7, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã từ Philippines về đến Hà Nội sau kỳ tích giành HCĐ FIVB Challenger Cup 2024. Tối cùng ngày, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã có buổi lễ vinh danh, trao thưởng cho đội tuyển. Toàn đội nhận được tổng cộng 850 triệu đồng tiền thưởng, trong đó có 300 triệu đồng từ liên đoàn.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về tấm HCĐ đầu tiên trong lịch sử, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết trước khi sang Philippines dự giải cả đội cũng không nghĩ có thể gặt hái thành công như vậy.
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói:
Khi đội tuyển lên đường sang Philippines, nhân sự gặp rất nhiều khó khăn vì chấn thương. Tay đánh chủ lực Trần Thị Thanh Thúy bị chấn thương, trước giải mới hồi phục được 80%. Một trụ cột khác là Nguyễn Thị Bích Tuyền chấn thương lưng khi đến Philippines và không có được 100% phong độ.
Tuy nhiên các VĐV đã đấu với hơn 100% sức lực. Thế hệ VĐV này nếu có lộ trình đầu tư tốt, còn dư địa để phát triển thành tích hơn nữa.
* Kế hoạch của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
– Ngày 9-7, đội tuyển sẽ di chuyển đi Quảng Ninh tập huấn 8 ngày. Sau đó chúng tôi sang Thượng Hải (Trung Quốc) thi đấu. Trong tháng 7 và 8 đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự 4 giải liên tục. Sau mỗi giải trung bình chưa có 1 tuần hồi phục đã thi tiếp.
Ban huấn luyện đội tuyển đang tính toán giải nào quan trọng nhất để tập trung. Chúng ta có 14 VĐV chủ lực nên phải phân bổ lực lượng cho phù hợp. Có một thiệt thòi là từ tháng 8, Thanh Thúy sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ đấu, nên đội tuyển quốc gia sẽ dự 3 giải quốc tế mà không có Thanh Thúy.
* Nhân tố nào ở đội tuyển U20 có thể bổ sung lên tuyển quốc gia trong thời gian tới?
– Bắt đầu từ năm 2024 tôi đồng hành dẫn dắt cả 2 đội tuyển. Dù chỉ mới tập huấn trong thời gian ngắn nhưng tôi thấy có rất nhiều gương mặt trẻ triển vọng ở đội U20. Bóng chuyền Việt Nam đang có thế hệ VĐV trẻ có tố chất tốt với 10-12 VĐV. Có VĐV sinh năm 2009 như Ánh Thảo, Thùy Linh mà giờ đã đấu ở đội U20. Đây là những mầm non tốt, cần phải có lộ trình phát triển.
Để chuẩn bị cho giải U21 thế giới năm 2025 tại Trung Quốc, từ năm 2024 đội U20 Việt Nam sẽ phải đầu tư chuyên môn. Ít ngày tới tôi sẽ làm việc với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam để lên kế hoạch này.
* Những năm qua bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên gia ngoại nhưng thành tích không tốt. Hai năm gần đây đội tuyển gặt hái nhiều thành công vang dội do chính HLV nội dẫn dắt. Ông có thể chia sẻ gì về thành quả mình giành được?
– Thuê chuyên gia ngoại cho bóng chuyền Việt Nam, tôi nghĩ rất tốt. Nhưng chuyên gia nên làm ở đội trẻ để VĐV của mình được đào tạo kỹ thuật bài bản. Để chuyên gia nước ngoài dẫn dắt đội tuyển quốc gia với lịch thi đấu dày như Việt Nam thì chuyên gia không làm được.
Từ năm 2008 tôi đã làm trợ lý cho chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia đến Việt Nam họ làm theo cách của nước họ – đội tuyển quốc gia là trên hết, nhưng ở Việt Nam còn nhiều yếu tố khác.
Cái mà tôi làm được khi dẫn dắt tuyển Việt Nam là khơi dậy tinh thần chiến đấu của VĐV. VĐV hiểu được bạn nào phong độ tốt nhất sẽ có vị trí trong đội tuyển, cạnh tranh lành mạnh. Đội tuyển cũng như một câu lạc bộ, đoàn kết tạo nên sức mạnh.
* Ông đã làm công tác tâm lý thế nào để Bích Tuyền trở lại đội tuyển quốc gia sau thời gian dài không lên tuyển vì áp lực dư luận liên quan đến giới tính của cô ấy?
– Theo dõi Bích Tuyền ở FIVB Challenger Cup này thì thấy Bích Tuyền chưa đạt 100% phong độ. Trận đấu với CH Czech, Bích Tuyền chỉ biết đập và rơi vào bế tắc vì không ghi được điểm, bị bắt bài. Đây cũng có thể là lần đầu Tuyền được tham dự một giải quốc tế lớn vậy.
Bích Tuyền cao, cô quen đánh trong nước cứ nhảy lên, dùng sức mạnh đập là ăn điểm. Nhưng sức bật của VĐV CH Czech lên tới 3,15 – 3,25m, Bích Tuyền sau đó phải có những quả bỏ nhỏ mới ghi được điểm. Nếu được thi đấu nước ngoài liên tục 1-2 năm nữa, Bích Tuyền còn trưởng thành hơn.
Khi Bích Tuyền bị áp lực vì dư luận, tôi nói với em rằng đã theo con đường này như thầy cũng gặp nhiều gạch đá rồi. Hãy lấy đó làm động lực, dư luận càng khó khăn thì mình càng phải chứng minh năng lực bản thân.
Thời gian qua Bích Tuyền đã chứng minh được tài năng của em ấy và giờ người hâm mộ đã ủng hộ Bích Tuyền và sẽ giúp em trưởng thành trong tương lai.
Bóng chuyền nữ Việt Nam vươn lên hạng 32 thế giới
Sau chức vô địch AVC Challenge Cup 2024, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có hơn 1 tháng tích cực chuẩn bị cho lần trở lại FIVB Challenger Cup tại Philippines.
Trải qua 3 trận đấu, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành 2 chiến thắng, trong đó có thắng lợi ấn tượng 3-1 trước đội bóng hạng 13 thế giới là đội tuyển Bỉ. Đây là lần đầu tiên bóng chuyền Việt Nam giành chiến thắng trước một đội tuyển nằm trong top 13 thế giới.
Với chiến tích này, bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành HCĐ lịch sử tại FIVB Challenger Cup. Sau giải đấu, đội bóng chuyền nữ Việt Nam thăng hạng 32 thế giới, đây là thứ hạng cao chưa từng có trong lịch sử bóng chuyền nước nhà.
Cá nhân Nguyễn Thị Bích Tuyền cũng để lại dấu ấn với 77 điểm sau 3 trận đấu, là VĐV ghi điểm xuất sắc nhất FIVB Challenger Cup 2024.