Làm gì khi cơ thể có độc tố?
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TPHCM, cho biết độc tố có thể gặp trong không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống hoặc thực phẩm chúng ta ăn… Chúng được chia thành hai loại:
Ngoại độc tố: Là những độc tố xâm nhập vào cơ thể chúng ta từ môi trường như khói xe, khói thuốc, bụi mịn, khói công nghiệp, đồ ăn, thức uống…
Nội độc tố: Những độc tố cơ thể tự sản sinh trong quá trình đồng hóa, điển hình như các gốc tự do có hại, các nội độc tố sản sinh ra trong ruột các vi khuẩn phân hủy thức ăn.
Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường, có thể bộc lộ qua những dấu hiệu sau:
– Đau dạ dày + táo bón: Tích tụ các chất có hại trong thời gian dài có thể dẫn đến việc đau dạ dày và táo bón. Nên ăn thực phẩm hữu cơ, hạn chế tối đa việc uống rượu và uống nhiều nước.
– Sương mù não: Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, bối rối và không thể tập trung ngay vào buổi sáng, ngay cả việc bạn không hề mất ngủ vào đêm qua, thì các độc tố có hại có thể là nguyên nhân.
Những độc tố này gây ra một loạt các phản ứng làm mất các vitamin và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động.
– Dễ bị rụng tóc: Rụng tóc không phải là triệu chứng quá tải độc hại gây ra bởi các độc tố hằng ngày. Nó có thể là do ăn uống không đủ chất và bị ảnh hưởng của các chất độc độc hại hơn như asen, chì và tali (được tìm thấy trong khói thuốc lá)…
Cơ thể chứa quá nhiều độc tố này có thể gây ngộ độc, thậm chí gây chết người. Vì vậy, nếu bị rụng tóc quá nhiều, đừng coi nhẹ, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn.
– Tăng cân không kiểm soát: Mặc dù đã tập thể dục đều đặn và ăn uống khoa học nhưng bạn vẫn tăng cân. Đó có thể là có điều gì đó không đúng xảy ra với hormone. Các độc tố quá nhiều trong cơ thể có thể tác động xấu đến mức độ của một số hormone, bao gồm cả các chất chịu trách nhiệm duy trì cân nặng.
– Móng chân và móng tay dễ gãy, xấu xí: Trọng lực kéo chất độc xuống cơ thể và móng chân hoặc móng tay có thể là bộ phận bị ảnh hưởng.
Nếu như chân chúng ta thường xuyên đeo tất mang giày và bạn không thay đổi tất thường xuyên trong ngày, điều đó khiến móng chân trở thành điểm yêu thích của nấm để sinh sôi và phát triển.
– Hơi thở có mùi: Hôi miệng thường là triệu chứng phổ biến của các vấn đề về tiêu hóa. Nó xảy ra khi hệ tiêu hóa phải vật lộn để tiêu hóa hết những gì bạn ăn.
Nhưng vấn đề tiêu hóa cũng có thể xảy ra khi gan phải chiến đấu để làm sạch tất cả độc tố trong cơ thể. Loại bỏ độc tố hoàn toàn là cách duy nhất để bạn giải quyết vấn đề này.
– Mất ngủ: Nếu bạn cảm thấy cơ thể liên tục tỉnh táo và căng thẳng, có thể do mất cân bằng nồng độ cortisol. Mất ngủ lâu ngày sẽ gây ra bệnh tim, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám để xem có mất cân bằng cortisol không.
– Tâm trạng thất thường: Nếu tâm trạng thay đổi liên tục trong ngày, đây là dấu hiệu cho thấy có sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Các độc tố như xenoestrogen gây mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cả hai giới nam và nữ.
– Đau nhức cơ, khớp: Nếu không tập luyện tại phòng tập thể dục hoặc làm một số công việc thể chất mệt mỏi nhưng vẫn bị đau cơ và khớp, có thể là do tích tụ độc tố. Đau nhức cơ thể là dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị viêm trong cơ thể chưa được kiểm soát. Vì vậy nếu bạn không có lý do nào khác cho chứng viêm, hãy thử giải độc.
– Gặp vấn đề về da: Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể chúng ta và chúng thường xuyên bị nhiễm độc và có thể dẫn đến các triệu chứng như mụn trứng cá, phát ban và bệnh chàm…
– Nhức đầu không rõ nguyên nhân: Nếu liên tục cảm thấy bị đau đầu không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ độc tố trong cơ thể cao hơn bình thường.
Thay đổi lối sống giúp cơ thể thải độc hiệu quả
Theo bác sĩ Trí, cơ thể chúng ta có thể tự thải độc cơ thể, nhưng nếu một số cơ quan thải độc bị suy yếu, cần hỗ trợ thải độc hoặc có chế độ giúp các cơ quan này phục hồi. Dưới đây là một số cách thải độc cơ thể một cách tự nhiên và có thể thực hiện tại nhà:
– Hạn chế uống rượu: Khi uống rượu thường xuyên đồng nghĩa với việc liên tục khiến gan phải hoạt động. Cố gắng loại bỏ rượu và các sản phẩm phụ của nó khỏi hệ thống sẽ giúp gan loại bỏ các chất độc khác tốt hơn.
– Ăn nhiều trái cây và rau củ quả: Các loại rau có màu xanh đậm và các loại trái cây với nhiều màu sắc khác nhau chứa đầy đủ các vi chất dinh dưỡng và rất ít calo nên rất tốt cho sức khỏe.
– Uống đủ nước: Uống nhiều nước và chất điện giải mỗi ngày để giúp thận đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Chất điện giải giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào và thải chất thải ra ngoài. Nên đặt mục tiêu uống từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày.
– Vận động thường xuyên: Cơ thể có nhiều cách thải độc tự nhiên qua nước tiểu, qua mồ hôi… và hoạt động thể chất là điều cần thiết để hệ bạch huyết bình thường.
Hơn nữa, vận động đổ mồ hôi là cách cơ thể loại bỏ các kim loại nặng như niken, chì, đồng, asen và thủy ngân một cách an toàn và hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy đổ mồ hôi từ các bài tập năng động như chạy bộ có thể loại bỏ nhiều độc tố hơn so với đổ mồ hôi trong phòng xông hơi…
– Ăn uống cân đối: Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, hạn chế thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt hơn. Sử dụng vừa đủ các loại đồ ăn vặt, bạn có thể giữ cho hệ thống thải độc của cơ thể khỏe mạnh. Thay thế đồ ăn vặt bằng những lựa chọn lành mạnh hơn như trái cây và rau củ…
Thực phẩm nào đào thải độc tố các tạng?
Làm sạch ruột già: ăn sữa chua, nha đam, diếp cá, lá mơ…
Làm sạch gan: uống nhân trần, rau mơ, lá đinh lăng, đậu xanh.
Làm sạch thận: uống nước dừa, trà xanh, quả sung, rễ quả chanh, rau sam, đậu đen.
Làm sạch lá lách: dùng sả, lá lốt, quýt, đậu ván trắng, đậu đỏ.
Làm sạch dạ dày: ăn dứa, lá tía tô, cà tím, bột sắn dây.