Tôi thuộc thế hệ 7x, vẫn còn nhớ thời học lớp 9, cứ gần hết học kỳ I là thầy cô lại râm ran bàn tán rồi đoán già đoán non về chuyện năm nay không biết hai môn được chọn thi tốt nghiệp là gì. Còn phụ huynh thì khỏi phải nói, họ sốt ruột, lo lắng thế nào vì thời đó sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 là còn kỳ thi chuyển cấp nữa. Ôi, đủ chuyện phải lo.
Theo thời gian, tình trạng này được chấm dứt nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo toàn quyền quyết định việc thi vào lớp 10 các trường cấp 3 ở địa phương mình.
Sau đó, mọi việc diễn ra khá trôi chảy khi hầu hết các tỉnh, thành đều chọn phương án thi 2 môn căn bản là văn, toán và thêm môn ngoại ngữ cho phù hợp xu thế hội nhập của đất nước. Nhờ vậy, trình độ ngoại ngữ của các em học sinh cũng dần dần tốt hơn so với thời trước.
Và rồi cũng theo thời gian, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề xuất quay lại câu chuyện của thập niên 1990: bốc thăm môn thi thứ 3 cho kỳ thi vào các trường THPT.
Đề xuất này nhanh chóng gặp phải sự phản đối của đa số phụ huynh, vì nó tạo ra áp lực và lo lắng không cần thiết cho các em học sinh và gia đình. Thế là Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Sở Giáo dục và Đào tạo tự quyết định môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp và công bố trước ngày 31-3 hằng năm.
Vấn đề nằm ở chỗ là “việc lựa chọn môn thi thứ 3 phải có sự thay đổi hằng năm”. Theo tôi, về bản chất điều này không khác gì chuyện… bốc thăm cả vì căn cứ vào đâu mà năm này chọn môn này, sang năm chọn môn khác? Việc chọn lựa đó theo nguyên tắc gì, môn nào trước, môn nào sau, hay chính người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo lại tự mình… bốc thăm rồi công bố?
Rồi biết bao tiêu cực tiềm ẩn “biết trước, biết sau” từ mối quan hệ giữa người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo và các hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở?
Thiết nghĩ, cách tốt nhất là giữ nguyên hình thức thi tuyển như hiện nay vì 3 môn văn, toán, ngoại ngữ đều là những môn bắt buộc ở chương trình THPT. Sẽ vô cùng bất cập và chẳng giải quyết được gì nếu năm nay các em thi môn khoa học tự nhiên, rồi sang năm khi vào trường THPT lại chọn học toàn các môn xã hội, vì chẳng có sự yêu thích hay đủ khả năng theo tiếp lý, hóa, sinh.
Một giải pháp khác là cho các em thi 2 môn văn, toán và một bài thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm gồm tất cả các môn (trừ các môn năng khiếu và thể dục), trong đó những câu hỏi được thiết kế ở mức độ nhận biết, thông hiểu mà một học sinh phổ thông cần phải thuộc nằm lòng suốt cả cuộc đời (giống như bảng cửu chương của môn toán, hay thể thơ lục bát của môn văn vậy).
Thi kiểu xoay vòng các môn không thể giải quyết nạn học lệch, học tủ, vì nếu như môn nào mới thi rồi thì vài năm tiếp theo chắc chắn sẽ không thi lại, như vậy khả năng bị… “bỏ lơ” càng cao hơn nữa.
Hãy giải quyết chuyện học lệch, học tủ bằng chất lượng giảng dạy, nội dung bài học, cách thức ra đề thi để học sinh cảm thấy sự hứng thú và hữu ích khi tham gia môn đó. Để chuyện học lệch, học tủ xảy ra là thể hiện sự yếu kém trong việc quản lý, giảng dạy lẫn khả năng đánh giá học sinh.