‘Đại học Huế là một trong những đơn vị đào tạo đại học rẻ nhất cả nước’

Đại học Huế là một trong những đơn vị đào tạo đại học rẻ nhất cả nước. Việc thu học phí rẻ khiến câu chuyện tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chí đại học quốc gia gặp khó khăn – Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 1-11, Đại học Huế tổ chức hội thảo Đại học Huế – 30 năm tái lập và phát triển thành đại học quốc gia (1994 – 2024).

Đại học Huế phát triển vượt bậc sau 30 năm tái lập

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Anh Phương – giám đốc Đại học Huế – cho biết trong 30 năm tái lập, Đại học Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành một trong những nơi đào tạo nhân lực quan trọng, phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước.

Năm 2024, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 58 ngành đào tạo tiến sĩ, 63 ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.

Năm 2024, Đại học Huế lần đầu tiên được Tổ chức US News & World Report (Hoa Kỳ) đưa vào danh sách là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Đại học Huế là một trong những đơn vị đào tạo đại học rẻ nhất cả nước - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Phương, giám đốc Đại học Huế – Ảnh: NHẬT LINH

Theo ông Phương, mục tiêu tiếp theo mà toàn bộ đội ngũ Đại học Huế hướng đến là trở thành đại học quốc gia đầu tiên ở miền Trung.

Tuy nhiên tiến trình này gặp nhiều khó khăn, trong đó việc Chính phủ chưa ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khiến Đại học Huế chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện đề án xây dựng đại học quốc gia.

Ngoài ra theo ông Phương, do tính chất đặc thù ở miền Trung, Đại học Huế là đơn vị đào tạo đại học có học phí rẻ so với 2 đầu đất nước. 

Việc thu học phí rẻ, tăng học phí hạn chế khiến câu chuyện tái đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ của Đại học Huế gặp nhiều khó khăn.

Một trong những lý do khiến Đại học Huế chưa thể đạt được các tiêu chí trở thành đại học quốc gia như hiện tại là do bản thân đội ngũ nhân sự, giảng viên chưa phát huy hết nội lực của mình.

“Cơ sở vật chất có thể sắm được nhưng đầu tư con người rất khó. Câu chuyện chảy máu chất xám ở Đại học Huế vẫn đang diễn ra do nhiều yếu tố khác nhau”, ông Phương nói.

Ông Phương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế sớm tháo gỡ các kiến nghị, vướng mắc của Đại học Huế, để đơn vị sớm thực hiện mục tiêu trở thành đại học quốc gia đầu tiên của miền Trung.

Xây dựng hai đại học quốc gia từ hai đại học vùng?

PGS.TS Phan Thanh Bình (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng hiện nay ở miền Trung có hai đại học vùng có tiềm năng để phát triển thành đại học quốc gia là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Với Đại học Huế, ông Bình nhận định đơn vị có lợi thế về bề dày lịch sử, nhân lực, nguồn lực và nhiều thuận lợi cơ bản để có thể phát triển thành một đại học quốc gia.

“Tuy nhiên so với những chuẩn mực cần thiết, yêu cầu và điều kiện kinh tế quốc gia, địa phương thì Huế còn nhiều thách thức”, ông Bình nêu.

Theo ông Bình, một trong những phương án xây dựng đại học quốc gia đầu tiên ở miền Trung có thể tham khảo là xây dựng hai đại học quốc gia từ hai Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Tuy nhiên phương án này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo sát chuyên sâu.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh sẽ luôn ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ tối đa để cùng Đại học Huế tháo gỡ những khó khăn trong tiến trình xây dựng đơn vị trở thành đại học quốc gia đầu tiên của miền Trung.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *