Như Tuổi Trẻ Online thông tin, câu chuyện người trẻ rời các thành phố lớn để về quê lập nghiệp không phải là mới.
Theo thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng 200.000 – 250.000 người/năm).
Nói về xu hướng ngày, bạn đọc tài khoản Người Sài Gòn trải lòng: “Mong báo Tuổi Trẻ có thêm nhiều bài báo nhân văn, ý nghĩa.
Xã hội ngày nay cần khuyến khích mọi người xây dựng quê hương, ở gần báo hiếu cha mẹ và tư duy tích cực hơn như vậy”.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc Lương Đình Khoa xung quanh câu chuyện rời phố về quê.
Rời Hà Nội vào Sài Gòn rồi quay lại Hà Nội
Năm 2003, tôi từ quê nhãn Hưng Yên đến với Hà Nội, khi trở thành tân sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tôi yêu và khám phá Hà Nội với tất cả niềm háo hức mong đợi từ lâu.
Cả khoảng trời thanh xuân với bao vui buồn đều trải qua nơi này đến nỗi từng nghĩ rằng không thể nào rời xa được Hà Nội.
Nhớ quãng thời gian đầu năm 2014, sau khi dừng kinh doanh một quán trà, tôi cũng từng vào Sài Gòn để trải nghiệm với cơ hội mới, nhưng vẫn luôn thấy nhớ Hà Nội, lòng lúc nào cũng như có gì đó đè nặng, chẳng thảnh thơi.
Rồi tôi quyết định về lại Hà Nội – nơi cả một quãng đời thanh xuân sôi nổi của tôi ở đó, thấy thân thương với từng góc phố, con đường.
Gã trai tuổi 30 quyết định tiếp tục ở lại với Hà Nội, với nhân duyên mới: phụ trách mảng truyền thông cho một trường dân lập.
Trước đó tôi chưa hề nghĩ mình sẽ làm trong môi trường giáo dục. Lần đầu tiên nghe học sinh, phụ huynh gọi bằng tiếng “thầy” tôi thấy xúc động, thấy cần làm sao để xứng đáng với chữ “thầy” ấy.
Và tôi đã dành trọn tâm huyết cho công việc, đồng hành cùng các học sinh, kết nối với phụ huynh trên hành trình hoàn thiện tri thức, nhân cách của hàng nghìn học sinh tiểu học qua mỗi năm…
Nhịp sống cuốn trôi trong dòng chảy cơm áo gạo tiền
Dù trong môi trường giáo dục khá phù hợp, nhưng nhịp sống cuốn trôi trong dòng chảy hối hả của áo cơm gạo tiền, của sáng ngày đi làm đủ 8 tiếng khiến tôi vẫn thấy mình như đang sống cuộc đời của một “robot”.
Buổi sớm đầy năng lượng nhưng khi về đến phòng trọ thì người cũng đã mệt rã rời. Vẫn cố gượng dậy lựa nấu một bữa cơm đơn giản, dù chỉ có một mình.
Duy nhất khoảng thời gian buổi tối là của riêng mình – tôi dành để sáng tạo, viết một điều gì đó, làm những video lan tỏa điều tích cực quanh mình trên không gian mạng. Nhưng cũng không ít những khi công việc cơ quan nhiều, thì tối vẫn ôm máy tính xử lý đến khuya.
Nhịp sống cứ quẩn quanh như vậy. 3-4 tuần phóng xe về thăm nhà vào chiều thứ bảy thì chiều chủ nhật lại vội vàng trở lại nơi phố, sẵn sàng cho một tuần làm việc mới.
Mọi thứ cứ vội vàng như thế, nên tôi cũng chẳng có thời gian để thực sự thư thái và cảm nhận sâu, rõ về nơi bình yên với hai tiếng gọi thân thương: mái nhà.
Không đâu bằng quê nhà
Năm 2023, tôi đã quyết định rời Hà Nội về lại quê nhà sau 20 năm gắn bó. Sau 1 năm bỏ phố về quê, tôi lại thấy thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng.
Tôi chợt nhận ra có những sự gắn bó sâu nặng thế nào thì đến một giai đoạn – sự rời xa là cần thiết để mỗi người học những bài học mới hơn, soi tỏ mình thấu hơn, và cũng vững vàng hơn đi giữa cuộc đời.
Bởi cuộc sống luôn biến đổi theo quy luật, nào đâu có sự gắn bó nào tồn tại mãi được với thời gian?
Chợt nhận ra Hà Nội – Sài Gòn hay quê nhà thực ra cũng là những điểm đến giống nhau.
Qua những dông gió, chen đua – tự con người ta sẽ có nhu cầu dừng lại, buông bỏ bớt để lòng thảnh thơi, tìm về bình an. Và sự bình an lớn nhất, mãi mãi chẳng bao giờ đổi thay – chính là bên gia đình, dưới mái nhà ấu thơ, có mẹ có cha.
Vậy nên, lựa chọn sinh sống, làm việc ở phố hay về quê thực ra không quan trọng bằng việc mỗi chúng ta lắng nghe được rõ nhất tiếng vọng thẳm sâu bên trong mình, thấu tỏ năng lực cũng như những giá trị sống của bản thân.
Có được sự bình yên dưới ngôi nhà thân thương của mình khi trở về sau 20 năm ở trọ nơi phố, thấy thấm thía nỗi niềm khi nghe lại một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?”.
Một người rời phố về quê, có thể bởi năng lực, nhưng cũng có thể bởi xu hướng chọn lựa một giá trị sống cũng như sự thay đổi về tâm thức mà họ đang hướng tới.
Khi con người đủ sự thấu hiểu: hiểu mình, hiểu giá trị sống và niềm tin mình đang hướng tới, chắc chắn họ sẽ có những lựa chọn phù hợp nhất cho hành trình mình đang đi.