Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM

Tân sinh viên Lê Kiều Hân luôn nỗ lực học tập. Cô theo học ngành khoa học dữ liệu, Trường đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM – Ảnh: YẾN TRINH

Cô tân sinh viên quê Phú Yên có tuổi thơ buồn khi ba mẹ ly hôn, cô bé sống với ông bà từ lúc 6 tuổi. Nay ông bà già yếu không thể lao động. 

Khắc phục một sai lầm để theo đuổi lĩnh vực dữ liệu, trí tuệ nhân tạo

Những buổi chiều trời chuyển mưa đì đùng, ở TP.HCM Hân rất nhớ căn nhà nhỏ ngoài quê, nhớ ông bà. Trời quê trở lạnh, ông lại đau khớp nhiều…

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 2.

Lê Kiều Hân mong sau này thành nhà phân tích dữ liệu – Ảnh: YẾN TRINH

Năm ngoái, cô học ngành tài chính – ngân hàng của một trường đại học lớn. Cả nhà chạy vạy vay 20 triệu đồng đóng tiền học và trang trải đỡ chi phí.

Mệt nhoài với công việc gia sư và làm mẫu cho lớp học trang điểm, cộng thêm nhận ra ngành học không phù hợp, Hân dừng sau một học kỳ. Quyết định khiến cô suy nghĩ nhiều, nhưng dứt khoát để không tiếc nuối.

Món nợ vẫn phải trả. Cô dành thời gian làm thêm quần quật hai đầu việc. Ba buổi tối trong tuần, cô làm gia sư toán.

“Mẫu trang điểm thì ngày nào tôi cũng đi, ngồi chừng 5 tiếng để học viên trang điểm cho mình. Mỗi lần tôi được 150.000 đồng. Có ngày đi hai chỗ, như ở TP Thủ Đức và quận 12”, cô kể.

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 3.

Ngoài giờ học, tân sinh viên Lê Kiều Hân làm mẫu cho các lớp học trang điểm. 5 tiếng, cô được trả công 150.000 đồng – Ảnh: YẾN TRINH

Nhận tiền công, cô gom góp trong chiếc thẻ ngân hàng, chẳng dám sắm sửa hoặc ăn món gì đắt tiền. Hè vừa rồi, cô trả dứt số nợ 20 triệu đồng, cộng thêm 5 triệu tiền lãi.

Lịch học nhiều, cô tân sinh viên tạm ngưng làm gia sư. Cô thường không ăn sáng. Trưa cô mua hộp cơm 25.000 đồng, tối ăn tạm bánh mì hoặc bánh ướt, mì gói, sao cho cả ngày xài chừng 50.000 đồng.

Đó là đã “nới” hầu bao, còn khi mới vào TP.HCM có những ngày cô chỉ xài 30.000 đồng, còn lại lo tiền trả nợ… Đó là một sai lầm gây khổ cho bản thân, nhưng cô tự chịu trách nhiệm về mình. 

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 4.

Chiếc ba lô mua từ năm ngoái, Lê Kiều Hân tiếp tục dùng đựng sách vở. Năm học mới nhưng cô hầu như không sắm sửa gì – Ảnh: YẾN TRINH

Cô tân sinh viên chọn ngành khoa học dữ liệu. Người ta hay nói đó là ngành khô khan, hợp với các bạn nam, và thực tế lớp chỉ hơn chục bạn nữ, nhưng Hân cho rằng ngành này ngày càng cần thiết.

Hân nói: “Tôi thường bắt xe buýt đi học, đi làm. Hôm nào làm thêm về trễ hết chuyến mới nhín tiền bắt xe ôm”.

Áo dài đi xin, chị mặc rồi để lại cho em

Từ ngày Hân học xa, căn nhà nhỏ sâu trong hẻm ở khu phố Phú Thứ (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Phú Yên) vốn ít tiếng cười nay lại thêm vắng lặng. Thấy có khách đến, ông bà ngoại Hân chống gậy, khó nhọc bước xuống bậc thềm.

Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh 5.

Ông bà ngoại của tân sinh viên Lê Kiều Hân lo lắng cho tương lai cháu gái – Ảnh: MINH CHIẾN

Bà Huỳnh Thị Kim (75 tuổi, bà ngoại Hân) kể đã mấy năm nay mẹ Hân không liên lạc gì. “Hồi ba mẹ Hân mới ly hôn, con gái lớn theo cha, đứa nhỏ theo mẹ. Nhưng nó khóc quá, ba đưa về ngoại nuôi tới giờ. Chỉ thương tụi nhỏ còn cha, còn mẹ nhưng chẳng ai quan tâm, có khác gì mấy đứa nhỏ mồ côi đâu”, bà nói.

Thiếu tình thương cha mẹ, cuộc sống lúc nhỏ của chị em Hân chẳng mấy đủ đầy. Toàn bộ áo quần, sách vở đều xin hàng xóm.

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 6.

Bộ áo dài cũ mà bà ngoại Lê Kiều Hân xin cho hai chị em – Ảnh: MINH CHIẾN

Bộ áo dài của Hân được ngoại xin về sửa lại. Em gái Hân vào THPT, chiếc áo dài lại được mặc tiếp. Nhiều lúc sáng đi học, cơm nguội hết từ tối hôm trước, hai chị em đành bấm bụng nhịn ăn.

“Nhà trước đây có nuôi con bò, mà năm 2022 tôi bị tai biến nên bán đi chữa chạy, giờ sạch bách không còn gì. Thà mình còn trẻ làm thuê cuốc mướn nuôi cháu cũng được. Đằng này hai ông bà già ốm đau liên miên…”, bà kể.

Bà Kim lo lắng, không biết đường dài cháu mình có trụ nổi 4 năm đại học. “Tôi thấy bất lực quá không cho cháu được gì, nên cả đêm nằm nghĩ mà khóc hoài”.

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 7.

Lê Kiều Hân nỗ lực học để có công việc tốt, chăm lo cho ông bà và sau này lo cho em gái học đại học – Ảnh: YẾN TRINH

Buồn nhưng bà tự hào: “Hân học giỏi lắm. Mấy tủ gỗ nhà tôi chất đầy bằng khen. Từ nhỏ đến giờ nó toàn tự học, không học thêm do không có tiền đóng.

Nó với em gái biết thân không có ba mẹ, nên học là về nhà ngay. Nó sợ bị người ta hỏi ba mẹ đâu, cứ hỏi đến là tủi thân chảy nước mắt”.

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 8.

Ba mẹ ly hôn, Lê Kiều Hân sống với ông bà từ lúc 6 tuổi – Ảnh: YẾN TRINH

Lãng tai nặng, ông Lương Văn Tự (83 tuổi, ông ngoại Hân) vẫn chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện. Ông trải lòng rằng vợ chồng già sống đến đâu hay đến đó, chỉ mong ai đó giúp tụi nhỏ ăn học đến nơi đến chốn rồi có chuyện làm cho ấm cái thân.

“Cả hai đều làm thêm trong hè rồi lấy tiền đó đi học trong năm với lại đều học giỏi, nếu nghỉ học giữa chừng thì uổng lắm”, ông Tự nói.

Học tốt để thay đổi, nuôi những người yêu thương

Nhắc về cuộc sống ngoài quê, giọng cô sinh viên trầm xuống. Ông bà ngoại là nguồn mạch yêu thương của hai chị em. Cảnh nhà khó, học phí THPT nhiều khi nhờ người anh họ giúp, do đó Hân luôn ý thức phải học thật tốt.

Có khoảng thời gian, ông ngoại Hân phải đi bán vé số trang trải. Nhà chỉ có hai sào ruộng, mấy năm trước ông bà gắng gượng đội nắng dầm sương, nhưng giờ việc trồng tỉa đành nhờ các cậu.

Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh 9.

“Ra trường có tiền tôi sẽ lo cho em gái học, lo cho ông bà. Nơi tôi sống các em nhỏ còn ít biết về tin học, công nghệ, nếu có điều kiện tôi sẽ hướng dẫn các em”, Lê Kiều Hân tâm sự

Ông bà bị cao huyết áp và bệnh tuổi già, có đợt phải nhập viện. Hân nói thương ông lắm vì “giờ ông ăn ít, người cũng yếu đi”.

“Ông hay dặn dò con cháu cố gắng, vào thành phố chuyên tâm học hành, làm thêm phải giữ sức khỏe. Ông không biết công nghệ và nhà không có WiFi nên tôi hay gọi điện vào giờ trưa, bởi buổi tối ngoài quê ngủ sớm lắm”, Hân kể.

Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh 10.

Lê Kiều Hân đi học, đi làm thêm đều di chuyển bằng xe buýt để tiết kiệm chi phí – Ảnh: YẾN TRINH

Hồi phổ thông, Hân đều là học sinh giỏi. Cô được giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý lớp 11, vừa rồi đạt 904 điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Những yếu tố này giúp cô đậu vào Trường đại học Bách khoa, khối A1 toán, lý, Anh văn.

Cấp ba xin áo dài cũ đến lớp, cô tân sinh viên Bách Khoa quyết học lo cho ông bà đau yếu - Ảnh 11.

Kết quả học tập năm lớp 12 của Lê Kiều Hân. Suốt ba năm phổ thông, cô đạt học sinh giỏi với điểm trung bình năm học trên dưới 9 phẩy – Ảnh: YẾN TRINH

Em gái Hân học lớp 11, cả nhà mong sau này em vào đại học, nhưng khó khăn luôn đè nặng. “Ra trường có tiền tôi sẽ lo cho em gái học, lo cho ông bà. Nơi tôi sống các em nhỏ còn ít biết về tin học, công nghệ, nếu có điều kiện tôi sẽ hướng dẫn các em”, Hân tâm sự.

Cô gái nhỏ dường như biết rõ mình muốn gì. Cô tân sinh viên chia sẻ: “Đi làm thêm giúp tôi kiếm sống, biết quản lý thời gian và rèn kỹ năng mềm. Tôi sẽ tham gia thêm hoạt động ngoại khóa. Tôi tin rằng khi nỗ lực hết mình, kiên trì vượt qua mọi trở ngại, có thể khẳng định bản thân, bất kể giới tính hay hoàn cảnh”.

Cô học trò chăm ngoan, biết sẻ chia và hay nghẹn ngào

Chủ nhiệm suốt ba năm phổ thông, cô Nguyễn Thị Thanh Loan, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên), nhận xét dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Hân rất nỗ lực.

Dạy nhiều lứa học trò nhưng với cô, Hân để lại nhiều ấn tượng nhất. Hân chăm ngoan, học giỏi, rất biết chia sẻ với các bạn khó khăn trong lớp, trong trường.

“Em là một cô gái khá cởi mở, vui vẻ nhưng cũng rất dễ xúc động. Khi ai hỏi hay nói về gia đình, em luôn nghẹn ngào. Tôi biết em vừa mới đỗ vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM và cũng mừng thay em. Chỉ hy vọng em được tiếp sức và đừng gác lại ước mơ”, cô nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Thử thức ăn cho nhãn hàng 70.000 đồng/lần, nữ sinh làm thêm từ lớp 9 theo đuổi 'mộng' làm cô giáo - Ảnh 6.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *