Tuổi thơ vô ra nương tựa nhà chùa
Nguyễn Quốc Huy (18 tuổi, ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) là đứa con ngoài giá thú của mẹ. “Sau khi chào đời, mẹ để mình lại bệnh viện rồi rời đi. Mẹ và nhà ngoại xác định từ đầu không thể nuôi, vì mẹ lúc đó đã có gia đình”, Huy nói mình biết điều này vì sau khi lớn lên một chút đã được nghe kể lại.
Khi đó, một phụ nữ tên Lệ trong lúc đi khám bệnh thấy thương nên xin đứa trẻ này về cho bà Sim (em gái bà Lệ) nuôi. Vợ chồng bà Sim được Huy gọi là bố mẹ nuôi và đặt tên.
Năm Huy 4 tuổi, bố mẹ nuôi ly hôn nên đã gửi em vào chùa, nhờ các sư nuôi dưỡng. Em ở chùa hai năm, sư trụ trì đưa Huy tới gia đình em gái của sư, cho ăn học đến hết bậc tiểu học. Huy sau đó lại được gia đình này gửi về chùa, ở đến hết năm lớp 7. Song vì một số lý do riêng, sư trụ trì lại gửi Huy về cho gia đình bà Lệ nuôi vào năm lớp 8.
Đến đầu THPT, Huy chủ động xin vào sống tại chùa Long Khánh, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà. Ở đây, ngoài giờ lên lớp, thời gian còn lại Huy ở chùa học bài, đọc kinh và phụ giúp một số việc trong chùa.
“Tôi đã quen với việc thường xuyên thay đổi môi trường sống từ nhỏ nên cũng thích nghi được, không có gì trở ngại”, Huy nói.
Thầy cô giáo không để học trò đơn độc giữa đời
Có đam mê và tố chất của các môn về tự nhiên, Huy đa phần đều tự học, tự ôn thi tại chùa sau giờ lên lớp. Huy được miễn học phí suốt 3 năm phổ thông.
Cô Lương Thị Kim Thư – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Huy ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn – chia sẻ ban đầu, cô ấn tượng trước cậu học trò để đầu trọc, mặc đồ lam, khá ít nói. Khi tâm sự, cô giáo biết Huy không muốn xuất gia, mà chỉ muốn đi học. Nhưng vì không có tiền nên Huy nghĩ rằng học xong THPT sẽ đi bộ đội, rồi lấy tiền để học nghề mưu sinh. Tôi đã trằn trọc cả đêm không ngủ, tìm cách giúp học trò mình”, cô Thư nói.
Sau đó, qua sự giới thiệu của cô Thư, Huy được thầy phó hiệu trưởng của một trường THPT ở thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) giúp đỡ khoản tiền, cũng như sự động viên của các thầy cô trong trường. “Sức học của Huy bật lên rõ từ học kỳ hai, năm lớp 12, cuối cùng em cũng đậu vào ngôi trường ao ước. Thầy cô rất vui và hạnh phúc vì điều đó”, cô Thư chia sẻ.
Không oán trách bất cứ ai, muốn làm phiên bản tốt nhất của mình
Huy nói mình biết ơn mẹ đã sinh ra, và những người đã nuôi dưỡng mình khôn lớn.
“Tôi chưa từng ghét hay oán trách mẹ, nhà ngoại, dù từ đó tới nay chưa gặp mẹ ruột lần nào cả”, Huy tâm sự.
Với Huy, dẫu không được nuôi dưỡng bằng hơi ấm của cha mẹ ruột, nhưng chàng trai này luôn tự nhủ mình còn may mắn vì được đi học, và bạn đã không ngừng nỗ lực để thực hiện giấc mơ bước vào cánh cổng đại học. Điều đáng quý nhất, Huy đã không để bản thân trở nên hư hỏng.
Kỳ thi vừa qua, Huy được 25,35 điểm cho tổ hợp toán, lý, hóa, tính luôn điểm ưu tiên, và đậu vào ngành khoa học máy tính của Đại học Kinh tế TP.HCM. “Tôi muốn sau này làm việc trong ngành công nghệ thông tin”, Huy nói.
Lần đầu vào TP.HCM, Huy được chùa cho một ít tiền dằn túi để đi học. Ký túc xá Cỏ May cũng cho chỗ ở miễn phí và hỗ trợ tiền ăn. Chưa có xe máy, Huy đi học mỗi ngày bằng xe buýt. Không có laptop, mỗi lần làm bài tập về nhà, bạn đều phải tới tiệm net gần ký túc xá.
“Đối mặt khó khăn phía trước, tôi sẽ luôn không bỏ cuộc, can đảm vượt qua để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tôi sẽ cố gắng học tốt để kiếm học bổng ở trường, đỡ tiền học phí. Sau khi ra trường đi làm cũng sẽ hỗ trợ lại những bạn có hoàn cảnh như mình”, Huy chia sẻ và hy vọng có thể nhận được học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ để mua một chiếc laptop làm dụng cụ học tập.
Nhìn ra khoảng sân trường phía trước, cô Thư chia sẻ cùng như gửi đôi lời nhắn nhủ đến học trò: “Mới đầu Huy khó tiếp xúc lắm, nhưng ai hiểu em, em mới sẵn sàng chia sẻ. Tôi mừng cho em, nhưng cũng lo khi 4 năm đại học là một chặng đường tương đối dài.
Mong rằng Huy tự tin, vững tâm mà bước tiếp vì xung quanh em vẫn còn nhiều người sẵn lòng giúp đỡ. Huy đừng bỏ cuộc giữa chừng và hãy mở lòng ra hơn nữa nhé!”.
Ông Võ Hữu Vinh – trưởng thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng – xác nhận Nguyễn Quốc Huy sống tại chùa Long Khánh, thuộc diện con nuôi. Địa phương cũng đã có quan tâm đến hoàn cảnh của Huy.
160 học bổng và 20 phần quà
Ngày 8-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Phú Yên trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 60 tân sinh viên khó khăn và 100 học bổng cho học sinh THCS, THPT mồ côi, miền núi cùng hỗ trợ 20 giáo viên khó khăn đặc biệt của tỉnh Phú Yên.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,67 tỉ đồng do Câu lạc bộ “Nghĩa tình Phú Yên” tài trợ.
Mỗi suất học học bổng cho tân sinh viên 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).
Học bổng cho học sinh 5,5 triệu đồng/suất (5 triệu đồng và quà).
Riêng quà hỗ trợ 20 thầy cô giáo khó khăn đặc biệt là 11 triệu đồng/phần (10 triệu đồng và quà tặng).
Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên. Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ hai laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.