Ngày 15-11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Nhiều phụ nữ vẫn phải gánh vác công việc không được trả công
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, tăng vị thế của phụ nữ, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Khoảng 59% các bộ và cơ quan ngang bộ hiện có nữ lãnh đạo chủ chốt, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt hơn 30%, vượt mức trung bình toàn cầu.
Tỉ lệ nữ chủ doanh nghiệp vào năm 2024 đạt trên 28%.
Nhiều nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, thể hiện khả năng và tiềm năng mạnh mẽ của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Bên cạnh kết quả, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh vẫn còn tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới, trở ngại cho thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.
Nhiều phụ nữ vẫn phải gánh vác công việc không được trả công như nội trợ, chăm sóc gia đình. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em vẫn tồn tại.
Người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và có những hành động cụ thể.
Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi bạo lực với trẻ em
Trung tướng Lê Văn Tuyến – thứ trưởng Bộ Công an – nhấn mạnh bộ luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp cùng các bên liên quan trong phát hiện, can thiệp, xử lý các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân.
Công an các cấp chủ động nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành, mua bán người đối với trẻ em trong thực tế và trên mạng internet.
Bộ Công an hưởng ứng Tháng hành động bình đẳng giới qua tuyên truyền chính sách pháp luật, phòng ngừa ứng phó với bạo lực giới; lồng ghép các nội dung về giới trong đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức; hoàn thiện chế độ, chính sách, tạo điều kiện cống hiến cho phụ nữ trong công an nhân dân; giới thiệu, tiến cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc…
Còn bà Paulines Tamasis – Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc – cho biết cơ quan này đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng công an Việt Nam trong đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, nhạy cảm giới…
Qua đó, phụ nữ và trẻ em cảm thấy tự tin, an toàn khi trình báo, tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan chức năng.