Đọc sách rất đơn giản, giúp con người trở nên dễ thích nghi

ThS Trần Huỳnh Nhị, người sáng lập không gian đọc sách cộng đồng Cà Chua Ngọt (TP Vĩnh Long), đồng sáng lập thư viện Miệt Vườn (cù lao An Bình, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ việc đọc sách cùng con chính là một cách gắn kết và giúp cha mẹ, con cái cùng phát triển, hình thành thói quen tốt: đọc sách.

Nói thêm về giá trị của đọc sách cùng con với Tổ ấm, cô Huỳnh Nhị cho biết:

– Tôi thường chia sẻ cùng các phụ huynh rằng giá trị từ sách sẽ không thể hiện rõ ra bên ngoài ngay được, vì đó là sự tác động và chuyển hóa rất chậm rãi từ bên trong. Do đó, để tiếp cận với sách, đầu tiên mình sẽ cho người đọc hiểu điều đó, để tránh đi sự kỳ vọng quá mức dẫn đến chán nản, khi tiếp cận với mong muốn nhận được kết quả ngay tức thời.

Thứ hai, đọc sách là sự trải nghiệm gián tiếp. Chúng ta không thể đi đến tất cả mọi nơi và nhìn thấu tất cả mọi việc. 

Sách là những điều được đúc kết, rút tỉa từ chính cuộc sống này, cho nên nó trở thành phương tiện ngắn nhất và tốt nhất để giúp người đọc trải nghiệm cuộc sống một cách gián tiếp.

Cuối cùng, sách là sự liên quan mật thiết đến ngôn ngữ. Theo đó, việc đọc sách tạo cho người đọc một vốn ngôn ngữ từ bên trong tiềm thức, phong phú và dồi dào. Chính vì vậy, khả năng tư duy và giao tiếp ngôn ngữ của người đọc sẽ được phát triển rất tốt. Khi ngôn ngữ của bạn tốt, đó sẽ là phương tiện, lợi thế để một người chiếm lĩnh nhiều mặt trong cuộc sống.

Sách – trường học lớn

* Như vậy, có thể nói sách là không gian trải nghiệm thú vị cho cả gia đình?

– Tôi nghĩ, chính sách tạo nên một không gian trải nghiệm cho người đọc. Đó cũng là nguyên do vì sao người ta thường nhìn nhận, người đọc sách là người biết nhiều thứ, là người trí thức, hay là người có vốn am hiểu rộng về cuộc sống này. Sự hiểu biết này giúp tâm trí được mở rộng, quá trình phát triền và khả năng tư duy cũng sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Khi đã có trải nghiệm thì sẽ có kinh nghiệm, mà đã có kinh nghiệm, ta sẽ xử lý cuộc sống tốt hơn. 

Những người đọc sách nhiều phần lớn đã có kinh nghiệm lý thuyết, nên khi có vấn đề phát sinh, họ dễ thích nghi, ứng phó và có góc nhìn cuộc sống một cách trực quan hơn, xử lý tình huống không khác gì người đã từng trải qua. 

Những gia đình xây dựng được thói quen đọc sách luôn có cách giải quyết vấn đề nhạy bén, khoa học hơn là vậy.

Tôi thấy sách hay ở chỗ, mỗi người sinh ra đều mang một tính cách riêng, việc đọc sách làm tính cách đó trở thành nhân cách được tu bồi theo hướng tích cực hơn. Cùng đọc sách với con mình, tôi nhận ra sách có khả năng hướng dẫn và dẫn dắt người đọc, giúp họ tự chuyển hóa bản thân một cách tự nhiên mà không bị vấp phải bất cứ sự ràng buộc, hay áp đặt nào. Sự chuyển hóa này dựa trên tính cách nền sẵn có, khiến nó phát triển theo chiều hướng tốt lên, tích cực hơn.

Đọc sách rất đơn giản

* Chị có điều gì mong muốn gửi gắm đến các bậc cha mẹ trong việc phát triển văn hóa đọc không?

– Tôi mong phụ huynh nhận ra rằng việc đọc sách không hề khó hay phức tạp, mà ngược lại quá trình ấy rất đơn giản. Mọi người đang có góc nhìn quá lớn lao về việc đọc dẫn đến ngại khởi đầu. Trong khi thực tế, đọc sách đơn giản chỉ là mở trang sách ra và đọc con chữ trong đó mà thôi. 

Thêm vào đó, chúng ta cũng không hề bị ép buộc phải đọc nội dung gì và không bị gò bó trong bất kể khung thời gian nào. Đôi khi chỉ cần đọc vài dòng, hay dành 5 – 10 phút cho việc đọc mà thôi.

Ngoài ra, chỉ cần chúng ta hiểu được giá trị và đặt sự ưu tiên cho việc đọc, chúng ta sẽ làm được. Nhiều người cũng đã dần công nhận tầm quan trọng của sách và việc đọc, người ta nhận ra rằng việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích hơn việc cầm điện thoại. 

Vấn đề ở chỗ, chúng ta chỉ mới dừng ở mức xác định việc đọc quan trọng, chứ chưa thật sự đặt việc đọc lên làm sự ưu tiên, coi đó là cấp thiết, không thể thay thế.

Do đó mọi người cần đặt việc đọc lên làm sự ưu tiên hàng đầu như một nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày để thay đổi cuộc sống tốt hơn. Vì nếu thiếu sách, thiếu đi sự chia sẻ thầm lặng ấy, tâm hồn chúng ta sẽ bị đói thức ăn tinh thần, tích tụ lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực.

Ai cũng biết chúng ta sống tử tế là điều rất cần thiết, nhưng chuyển hóa lý thuyết thành hành động thì vẫn còn là một quá trình. Như vậy, nếu chúng ta là người đọc sách, thích sách và hiểu tầm quan trọng, giá trị của sách, hãy tích cực, mạnh dạn chuyển hóa những giá trị ấy thành hành động thiết thực hằng ngày, từng chút một.

Sách cũng giúp chúng ta học cách yêu thương, cách ứng xử trong gia đình với nhau, xây dựng một nền tảng gia đình tốt hơn để đi đến hạnh phúc.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *