Không kịp kể hết câu chuyện, anh cởi giày, xỏ dép, lên xe máy chạy ngay về nhà. Anh sợ trễ một chút xíu nữa “mệt tai lắm”.
Làm hai đầu việc kiếm tiền vẫn bị chê
Làm lập trình viên, thu nhập anh Hòa ở mức khá so với mặt bằng chung. Tháng lương nào anh cũng chuyển gần hết cho vợ, chỉ giữ lại 5 triệu đồng tiêu vặt. Lúc mới cưới, mọi việc diễn ra bình thường. Càng về sau, anh cảm thấy khó chịu, nặng nề vì vợ hay so sánh.
“Lúc đầu, vợ gặng hỏi sao tôi đưa lương ít vậy, có giữ lại quỹ đen không. Vợ điều tra suốt mấy tháng liền khiến tôi thấy áp lực còn hơn đi làm”, anh kể.
Sau đó, anh phát hiện, vợ đọc được một bài viết trên mạng với nội dung thảo luận mức lương của nhân sự ngành IT. “Vợ tôi thấy ai cũng khoe lương 3.000 – 4.000 đô la hoặc ngoài trăm triệu đồng nên tưởng ai làm ngành này đều nhận lương đó”, anh chia sẻ.
Anh Hòa kể mình phải giải thích rằng mặt bằng lương ngành này cao so với những ngành nghề khác, nhưng bản thân ngành cũng phân hóa. Anh tâm sự: “Có người nhận 5.000 đô la/tháng nhưng có người nhận 15 triệu đồng. Dù tôi không thuộc nhóm nhận lương cao vút nhưng ở mức khá, mà cô ấy vẫn không hài lòng”.
Và cứ cách ngày, vợ anh lại thuyết giảng, tại sao cùng học IT mà mấy người trên mạng lương cao hơn anh. Rồi vợ quay sang nói câu như điểm huyệt: “Sao họ làm được mà anh không làm được”. Thậm chí vợ còn nghi ngờ chí tiến thủ của anh.
Nghe vợ nói, anh cũng thấm. Cả hai chưa mua nhà thành phố, đang tốn tiền ở thuê hằng tháng. Thấy “thấm” là vì nếu anh không cố gắng tăng thu nhập, sẽ không mua được nhà.
Áp lực, anh lên mạng, làm thêm đầu việc viết ứng dụng thuê cho một khách hàng ở châu Âu. Ban ngày làm công ty, ban đêm anh lọ mọ ngồi lập trình đến 2h, 3h sáng.
Do làm chân trong chân ngoài nên anh Hòa phải thức khuya dậy sớm, thời gian dành cho vợ con ít. Trong khi mùa hè, vợ anh lướt Facebook thấy mấy cô bạn đăng ảnh đi chơi biển với chồng, vậy là quay sang trách: “Lấy phải người chồng vô tâm. Cả mùa hè nóng nực không thấy đưa vợ con đi đâu chơi”.
Anh thở dài: “Tưởng tờ đơn ly dị trước mặt là tôi lấy bút ký ngay, khỏi cần suy nghĩ gì. Nhưng tôi dằn cơn tức lại được”.
So sánh để thay đổi tốt hơn?
Về phía các chị vợ, chị Ngọc T. (31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết so sánh có lẽ là bản tính của phụ nữ. Trong những phút lắng lòng, chị ý thức được mình cũng đứng núi này trông núi nọ. Nhưng chị vẫn tìm cách “xả” những bực bội lẫn kỳ vọng vào chồng mỗi khi có dịp.
Chị lập luận: “Có so sánh thì mới có phát triển và tốt lên. Tôi phải so sánh chứ, vì quá sốt ruột khi thấy bạn bè mua nhà, mua đất. Chồng người ta thăng tiến vùn vụt còn chồng mình lại rất thờ ơ”.
Hai vợ chồng không áp lực mua nhà vì được cha mẹ chồng cho. Cha mẹ hai bên có thu nhập đều đặn, không nặng gánh chu cấp, nhưng chị luôn thấy bất an. Chị bày tỏ: “Mỗi lần đi chợ, giá cả tăng vùn vụt, tôi thấy lo nên… chuyển bớt nỗi lo lắng này sang chồng”.
Chị nói nếu không so sánh, không kể lể với chồng kiểu “nhà con A mới mua một lô đất nền trong hẻm ở Hố Nai”, “chồng con B mới mua ô tô chở vợ đi chơi cuối tuần”, chồng chị sẽ không có động lực để phấn đấu.
Khi được hỏi phương pháp này thành công không, chị thở dài: “Dù ngày nào tôi cũng ra rả, nhưng hình như ảnh miễn nhiễm rồi. Không thấy chuyển biến gì hết”.
Vòng luẩn quẩn so sánh chồng người ta, vợ người ta… khiến không khí của những gia đình trẻ trở nên căng thẳng. Nhưng điều này khó mà tháo gỡ khi người trong cuộc không thấy hài lòng, không nhìn vào ưu điểm nửa kia.
Nam giới cũng ngầm so sánh “núi này, núi nọ”
Nói về chuyện phái nam có so sánh như kiểu của các chị em không, anh Quốc Vĩnh (37 tuổi, quê Tiền Giang) trả lời có. Nhưng theo anh, khi bắt đầu gần tuổi 40, nhóm bạn anh mới lăn tăn so sánh.
“Nếu nói đàn ông không so sánh là không đúng, nhưng thường ngầm và không càu nhàu như hội chị em”, anh Vĩnh cười.