Bạn trẻ lập nhóm trekking đường rừng, tái tạo năng lượng

Các buổi trekking thu hút các bạn nhiều lứa tuổi cùng tham gia trải nghiệm – Ảnh: NVCC

Những cơn mưa cuối năm tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng ở các cánh rừng sâu càng hấp dẫn các bạn trẻ tham gia trekking.

Cảm thấy bình yên, cải thiện sức khỏe

Sau kỳ thi, Hồ Tấn Thức (sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM) nói bị áp lực, có phần lạc lõng. Không để bản thân sống trong cảm xúc tiêu cực, Thức quyết định đăng ký trekking Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước).

“Cung đường rừng 9km không hề đơn giản, đôi lúc chân mỏi và gần như kiệt sức. Tuy nhiên, mình tranh thủ tận hưởng phút giây hiếm hoi được hít thở không khí trong lành. Cảm giác mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên nên những chuyện buồn đã không còn quá nặng nề”, Thức cười.

Với người đam mê vận động như Nguyễn Trúc (ngụ Đồng Nai), trekking trong rừng như một hình thức tập luyện và nâng cao sức khỏe.

Anh nói, chạy bộ trong rừng với nhiều kiểu địa hình phức tạp tạo cho bản thân cảm giác kích thích, cũng để làm quen để có thể tham gia thi chạy bộ địa hình sắp tới.

Anh cho hay, có vẻ nhu cầu trekking ngày càng nhiều, nên hằng tuần đều có xe buýt đưa đón du khách từ TP.HCM đi leo núi. 

Trong khi đó, Yến Yến (24 tuổi, ngụ Hà Nội) gần đây chọn trekking vì thấy yêu thiên nhiên. Yến nói được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên cũng là một niềm hạnh phúc.

Một số bạn cho biết tìm kiếm các chuyến trekking vào rừng Tà Xùa (Sơn La) vào thời điểm cuối năm. Với độ ẩm cao và ít nắng, các loài rêu, dương xỉ, cỏ dại… tạo nên một khung cảnh huyền bí.

Chưa kể mỗi chuyến đi không chỉ tạm thời giải tỏa những lo lắng, nhiều bạn trẻ còn có nhiều bức ảnh ấn tượng, có khi dùng sống ảo được cả năm khi quay về.

Gác âu lo, trekking đường rừng để tái tạo năng lượng - Ảnh 2.

Gen Z lựa chọn rừng rêu Tà Xùa (Sơn La) vào cuối năm để trekking vì khung cảnh tựa như cổ tích – Ảnh: XUÂN CHỜ

Nhờ trekking mà gắn kết, rời xa mạng xã hội

Trekking đang là lựa chọn của nhiều bạn thay cho những bữa tiệc hay trận game kéo dài để giải tỏa áp lực công việc và học tập. Cảm giác ngột ngạt với công việc lập trình viên, Phạm Đại Lượng thành lập Itrek với mục tiêu tìm kiếm và thúc đẩy sự kết nối.

Tạm gác âu lo, giới trẻ vào rừng để tái tạo năng lượng - Ảnh 3.

Chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ ở đỉnh núi là động lực khiến giới trẻ đi bộ hàng giờ trong rừng – Ảnh: NVCC

Sau khi kết nối với các vườn quốc gia và chính quyền địa phương, Công ty Itrek bắt đầu tổ chức các chuyến đi. Mỗi đoàn tầm 17 người để đảm bảo việc quản lý và bảo hộ.

“Trải nghiệm đi bộ trong rừng giúp mọi người kết nối cùng nhau và kết nối với thiên nhiên khi không có mạng xã hội” – anh Lượng chia sẻ.

Giá mỗi chuyến đi như thế tốn chừng 2,5 triệu đồng cả ăn uống, vận chuyển, cắm trại, cũng không quá cao để bạn trẻ quyết định “xuống tiền”.

Tuy nhiên, hình thức du lịch này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, và phải đam mê trải nghiệm, thu nhập ổn chút mới dễ tham gia.

“Tôi thấy gần đây đã có khá nhiều công ty chọn cách thức này cho nhân viên đi du lịch, giải tỏa kết hợp gắn kết nhân viên”, anh Lượng nói thêm.

Thiên nhiên xoa dịu tâm trí

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thời gian ở gần thiên nhiên sẽ cải thiện tâm trạng, tư duy và sức khỏe tinh thần.

Patricia Hasbach – nhà trị liệu tâm lý và nhà sinh thái học tại Eugene – giải thích con người luôn cảm thấy được “về nhà” mỗi khi đắm mình trong không gian thiên nhiên vì nó nuôi dưỡng cảm giác chúng ta đang là một phần của điều gì đó lớn hơn bản thân mình.

Theo nghiên cứu Environmental Science & Technology (2015), việc tiếp xúc với thiên nhiên còn có thể làm giảm cortisol (hormone căng thẳng) trong cơ thể vì thiên nhiên giúp chúng ta chuyển hướng sự tập trung khỏi những suy nghĩ tiêu cực, cho phép cơ thể thư giãn và phục hồi.

Ngoài ra, theo tạp chí Nature, việc dành thời gian trong các môi trường tự nhiên có thể thúc đẩy sự giải phóng dopamine (chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui và sự hài lòng).

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *