Những ngày dừng chân tại TP.HCM đã tạo cơ hội quý để đại biểu trẻ trên Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản đến từ 10 nước Đông Nam Á (trừ Myanmar không tham gia) và Nhật Bản lưu lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng đẹp về sự nồng ấm, gần gũi của người dân ở đất nước hình chữ S. Đặc biệt, các bạn cùng chia sẻ kiến thức, góc nhìn về câu chuyện thời sự hiện nay, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm ẩm thực Việt Nam.
Bàn chuyện môi trường, phát triển bền vững
Ngay trong ngày thứ hai có mặt tại TP.HCM, các bạn chia về sáu nơi cùng giao lưu, thảo luận với diễn giả và các bạn trẻ TP chủ đề về quyền lực mềm và ngoại giao nhân dân, phát triển kinh tế và cộng đồng bền vững, môi trường toàn cầu và biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ và phục hồi hậu thiên tai, sức khỏe và an sinh, xã hội số.
Chủ đề phát triển kinh tế và cộng đồng bền vững tại ĐH Kinh tế TP.HCM đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Từ thảo luận nhóm, các bạn đúc kết cần đa dạng phương thức giáo dục cho thế hệ trẻ về phát triển bền vững, các khóa học xanh cũng như phối hợp với nhiều công ty, tổ chức thiết kế chương trình tham quan thực tế tìm hiểu mô hình phát triển bền vững.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói về giảm nguy cơ và phục hồi hậu thiên tai, các ý kiến đều cùng nhận định môi trường đang đối mặt lớn nhất với vấn đề rác thải nhựa. Một dự án được đại biểu Việt Nam chia sẻ là việc sử dụng nha đam làm màng bọc thực phẩm mang lại giải pháp thân thiện với môi trường từng được phát triển tại Trường ĐH Bách khoa.
Bạn Walter James A.Jumao-as (Philippines) nói tối ưu hóa các chất thải phân hủy sinh học để trở nên hữu ích hơn trong cộng đồng là điều rất quan trọng. “Phải có trách nhiệm với những gì chúng ta đang sản xuất và sử dụng hằng ngày. Mỗi người, nhất là các bạn trẻ, cần thay đổi sang tư duy sống không rác thải”, đại biểu này nói.
Việt Nam đã chạm vào trái tim mình bằng sự chân thành và ấm áp. Lần đầu tiên đặt chân đến đây nhưng nơi này đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng mình. Mình muốn cảm ơn Việt Nam, gia đình nuôi cùng những trái tim đã hòa nhịp với mình trong vài ngày ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa tại đất nước này.
YUKA MIZUGUCHI (đại biểu Nhật Bản)
Cầu nối văn hóa và tình người
Một trong các hoạt động điểm nhấn của SSEAYP 2024 chính là trải nghiệm ở nhà dân của các đại biểu tại 13 quận, huyện và TP Thủ Đức (TP.HCM). Các bạn về với những gia đình nuôi khám phá ẩm thực, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam một cách gần gũi, chân thực nhất.
Có bạn đến từ Nhật Bản lần đầu tiên được uống ly nước mía với cả sự tò mò. Bạn khác được dẫn đi ăn bún bò, cơm tấm. Nhiều bạn trẻ Việt Nam còn dẫn đại biểu nước ngoài đến dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu phố mình để bạn trẻ quốc tế cảm nhận mối liên kết cộng đồng của người dân Việt Nam.
Bí thư Thành Đoàn Thủ Đức Phan Ngọc Đoan Trang nói ở nhà dân sẽ là những cảm xúc đặc biệt, khó quên với nhiều trải nghiệm quý để hiểu thêm văn hóa, phong tục và lối sống của người Việt Nam.
“Đây còn là cơ hội vun đắp tình cảm gắn bó, sâu sắc giữa thanh niên quốc tế với thanh niên và người dân TP.HCM”, chị Trang nói.
Hai ngày ở gia đình nuôi dường như quá ngắn nhưng để lại trong lòng đại biểu Yuka Mizuguchi (Nhật Bản) quá nhiều kỷ niệm khó quên. Bạn nói mình cảm nhận rất rõ tình cảm nồng hậu mà người dân TP.HCM dành cho các đại biểu chương trình năm nay chứ không riêng cá nhân mình mà với bạn là “sự đón tiếp nồng ấm ngoài sức tưởng tượng của chúng mình”.
“Ngay từ giây phút đầu tiên bước xuống tàu, mình đã cảm nhận được sự ấm áp và hiếu khách từ ánh mắt, nụ cười của mọi người. Mình được gia đình cô Nguyễn Thị Hằng đón về nhà ở quận 4 và thấy như quen thuộc từ lâu rồi chứ không phải lần đầu tiên biết nhau. Cả nhà đối đãi với mình chân thành, tự nhiên và gần gũi đến mức khiến mình thật sự xúc động”, Yuka chia sẻ.
Bạn khoe đã được biết thêm nhiều điều hấp dẫn về văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Dù có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng Yuka nói như một cách thần kỳ, sợi dây vô hình vẫn gắn kết mọi người lại gần nhau mà bạn gọi đó là “sự đồng điệu của trái tim vì mọi người cùng hướng đến sự chia sẻ và kết nối”.
Và Việt Nam, với Yuka đã không chỉ là điểm đến, mà giúp cô cảm nhận như có thêm ngôi nhà thứ hai với những người thân dễ mến cùng bao bài học và ký ức khó phai mờ.
Đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản khám phá lịch sử
Nhiều đại biểu đã dành thời gian tìm hiểu lịch sử Việt Nam và được dẫn đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3). Đại biểu Aquilah Natasha (Brunei) nói những hình ảnh, hiện vật tại bảo tàng này phần nào cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua. Nhưng điều bạn cảm nhận lớn hơn cả mất mát, đau thương chính là tinh thần đoàn kết, kiên cường của con người Việt Nam.
Đại biểu đến từ Brunei này nói rất nể phục khi dân tộc Việt Nam biến những tổn thương của chiến tranh thành động lực để vươn lên, xây dựng đất nước mạnh mẽ như hôm nay. Bạn nói sẽ chia sẻ điều ấy với bạn bè, gia đình khi trở về.
Còn đại biểu Walter James (Philippines) cho biết đến bảo tàng giúp anh cảm nhận bảo vệ hòa bình và quyền con người quan trọng thế nào. Không chỉ nhắc người Việt Nam, theo James, những bài học từ bảo tàng cũng là lời nhắc cho bất kỳ ai tìm đến về hậu quả của chiến tranh.
“Chuyến đi này không chỉ giúp tôi hiểu thêm về lịch sử Việt Nam mà còn nhận ra thanh niên phải là những người đi đầu xây dựng một thế giới không còn chiến tranh, nơi mọi người được sống trong hòa bình và nhân ái. Hy vọng thông qua SSEAYP, tinh thần đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước sẽ được tăng cường hơn nữa”, James nói.
Trong khi đại biểu Jamsri (Thái Lan) phát biểu: “Hậu quả của chiến tranh luôn tàn khốc, những điều ấy giúp chúng ta càng quý trọng hơn giá trị của độc lập, tự do”.
Hệ thống đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chủ đề về sức khỏe và an sinh được các bạn nhắc đến với khả năng tiếp cận y tế toàn cầu, hiện trạng và giải pháp cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các ý kiến nói cần quan tâm xây dựng hệ thống đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian chờ cho bệnh nhân. Trong đó ưu tiên người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người khuyết tật. Cạnh đó, cải thiện chất lượng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nơi khám chữa bệnh.
Có ý kiến còn đề xuất chính sách phát thuốc và giao thuốc miễn phí tận nhà cho người cao tuổi. Đồng thời cập nhật các ứng dụng y tế để tạo thuận lợi tối đa cho người dân khám bệnh, tiếp cận thông tin của y bác sĩ.