Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Công ty TNHH Nhựa Sinh Học BUYO, khởi nghiệp với dòng nhựa sinh học an toàn với môi trường và sức khỏe con người
Ô nhiễm rác thải nhựa là lý do lớn nhất thôi thúc CEO Buyo – chị Đỗ Hồng Hạnh – cùng đồng đội quyết định start-up nghiên cứu, sản xuất các loại nhựa sinh học thế hệ mới.
Nhựa sinh học không dùng đến tinh bột
Rác thải nhựa trở thành vấn đề bức bối không chỉ ở Việt Nam, mà ở phạm vi toàn cầu. Chị Hạnh nói đã có nhiều giải pháp tái chế rác nhưng chưa giải quyết triệt để.
Theo ước tỉnh, chừng 10% lượng rác thải nhựa trên thế giới được tái chế bởi đòi hỏi nhiều công sức, chi phí thu gom, phân loại và xử lý. Tức là 90% lượng rác thải nhựa bị vứt ra môi trường và tồn tại thời gian rất dài.
“Mình muốn tìm kiếm vật liệu mới thay thế nhựa, đặc biệt là túi ni lông”, chị Hạnh nêu lý do Buyo ra đời năm 2022, tập trung phát triển công nghệ sản xuất nhựa sinh học có nguồn gốc hữu cơ có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Không sử dụng tinh bột, mà tận dụng các bã hữu cơ để sản xuất các loại vật liệu có tính chất tương đương như nhựa thông thường nhưng thân thiện môi trường. Đó là thế hệ nhựa sinh học mới mà chưa nhiều công ty trên thế giới có thể làm.
Chị Hạnh nói các loại nhựa sinh học có nguồn gốc từ tinh bột có khả năng phân hủy sinh học ở môi trường bình thường trong thời gian tương đối ngắn, thân thiện với môi trường, sức khỏe con người.
Tuy vậy lại tiêu tốn nhiều tài nguyên, nguồn lực để sản xuất, có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Trong khi nhựa sinh học có nguồn gốc hữu cơ có độ bền, khả năng chịu lực hạn chế, kháng nước, chịu nhiệt tương đối kém.
“Vì vậy nhựa sinh học vẫn chưa thực sự phổ biến trên thị trường”, chị Hạnh phân tích.
Cú hích chính sách cho vật liệu mới phát triển
Buyo đưa ra 2 giải pháp công nghệ. Một là xử lý bã thực phẩm từ các nhà máy thực phẩm, giải khát, phối trộn với các bio polymer khác để tạo thành vật liệu composite, rồi sản xuất các loại bao bì, túi đựng, màng bọc, muỗng, nĩa, tấm pallet, nắp chai…
Hai là lên men vi sinh, nuôi vi khuẩn từ việc tận dụng các loại chất dinh dưỡng còn lại trong bã thực phẩm để nuôi. Quá trình đó tạo ra một loại vật liệu mới mà không cần phối trộn, có thể ứng dụng trong các ngành công nghệ cao như y tế.
Chị Đỗ Hồng Hạnh (CEO Buyo)
Đòn bẩy chính sách vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với nhựa thông thường. Chứ còn để cạnh tranh tự thân sẽ rất khó vì quy mô doanh nghiệp nhựa sinh học còn nhỏ.
Tuy nhiên, CEO Đỗ Hồng Hạnh nói nhược điểm lớn nhất chính là giá cả nhựa sinh học cao hơn nhựa có nguồn gốc dầu mỏ, cả sản phẩm của Buyo cũng vậy.
“Nhựa thường, nhựa dầu mỏ được thương mại hóa cả trăm năm, quy mô sản xuất toàn cầu. Trong khi quy mô sản xuất nhựa sinh học toàn cầu mới khoảng 1-2% trên thị trường nhựa, khó cạnh tranh chi phí với nhựa thường”, chị Hạnh nói.
Nhưng nhựa sinh học mang lại lợi ích cho môi trường. Người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng thế hệ mới sẵn sàng trả giá cao hơn cho những vật liệu này.
Để nhựa sinh học có thể cạnh tranh với nhựa thông thường cần vai trò rất lớn của Chính phủ và Nhà nước. Đã có những nước đưa ra chính sách khuyến khích với các loại nhựa mới, xây dựng các rào cản kỹ thuật, các lệnh cấm nhựa.
Vấn đề còn ở chỗ chính sách cần theo kịp sự phát triển của vật liệu mới khi sự phát triển diễn ra rất nhanh. Lý giải, chị Hạnh nói thông tin được chú ý gần đây là hướng tới loại bỏ hoàn toàn túi ni lông trong siêu thị và đa phần người ta nghĩ ngay đến thay thế bằng túi giấy.
Là vật liệu thân thiện môi trường nhưng nếu dùng giấy làm bao bì đựng thực phẩm ướt, nóng vẫn cần tráng một lớp nhựa bên trong. Vậy khác gì bao bì nhựa, chẳng qua bên ngoài bằng giấy?
“Quá trình xây dựng chính sách nên trao đổi, tham vấn giữa cơ quan xây dựng chính sách với các nhà nghiên cứu để liên tục cập nhật thông tin, tiến bộ công nghệ, mở rộng định nghĩa về vật liệu thay thế nhựa. Nếu không dù có cấm túi ni lông, vật liệu mới cũng khó có cơ hội tham gia”, chị Hạnh nói.
Cần nhiều công ty như Buyo mới có thể đáp ứng thị trường
Theo CEO Buyo, hiện nhu cầu về nhựa sinh học thế hệ mới như sản phẩm của Buyo Plastic khá lớn. Buyo đang ưu tiên tìm giải pháp tăng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng thị trường. Đồng thời vừa cải thiện công nghệ, giảm giá thành để cạnh tranh về giá.
Công ty phát triển mô hình kinh doanh B2B, đang làm việc với nhiều công ty, tập đoàn lớn. Trong đó có các công ty sản xuất thực phẩm, đồ uống để phát triển sản phẩm nhựa sinh học thế hệ mới.
“Để đáp ứng hết nhu cầu thị trường cần rất nhiều công ty như Buyo. Nhưng tôi thấy nhu cầu này từ thị trường nước ngoài nhiều hơn. Việt Nam rất cần cú hích chính sách để tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ”, chị Hạnh nêu quan điểm.
Chọn 20 start-up tiêu biểu vào chung kết Tuổi Trẻ Start-up Award 2024
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.
Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa…
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch PRO Vietnam.