Các bạn học sinh xem mô hình dây chuyền sản xuất mì gói Hảo Hảo – Ảnh: THANH HIỆP
Chuyến đi không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị mà còn giúp các em mở rộng kiến thức và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Học được nhiều kiến thức mới
Trên đường đi, học sinh tỏ ra hào hứng và tò mò khi được đến tham quan nhà máy. Đến nơi, các em rất bất ngờ với không gian của từng bộ phận sản xuất.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của các anh chị nhân viên nhà máy, các em được tìm hiểu từ quá trình ra đời của mì ăn liền đến quan sát thực tế dây chuyền sản xuất của sản phẩm.
Học sinh Trường THCS Chi Lăng, quận 4 nghe giới thiệu về Acecook Việt Nam – Ảnh: THANH HIỆP
Đặc biệt, qua phần thảo luận, trả lời những câu hỏi trắc nghiệm vui về nguồn gốc và các thành phần làm nên sản phẩm của Acecook, các em được ôn tập, cũng như học thêm nhiều kiến thức mới về lịch sử, địa lý, công nghệ thực phẩm…
Nhiều em tỏ ra bất ngờ khi biết rằng Acecook đã bán hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1995 tại TP.HCM. Hiện Acecook đã có 11 nhà máy và 6 chi nhánh ở khắp mọi miền đất nước, việc đặt chi nhánh ở cả ba miền giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tiết kiệm chi phí phân phối hơn.
Các bạn học sinh nghe cách nhận biết giữa mì chiên và mì không chiên – Ảnh: THANH HIỆP
Tươi cười suốt buổi tham quan, em Lê Ngọc Quyên – học sinh lớp 9A1 – chia sẻ: “Em rất thích ăn mì, tuy nhiên chưa từng được thấy quy trình làm ra nên rất tò mò về nó. Vì vậy em cảm thấy rất hào hứng khi được tham gia buổi tham quan.
Khi đến nơi, em bất ngờ với 11 công đoạn để làm ra gói mì. Công đoạn mà em ấn tượng nhất là đóng gói. Ngoài ra, sau khi tham quan em cũng học được tính tỉ mỉ và tính quan sát để làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất”.
Trải nghiệm thực tế thay đổi suy nghĩ
Chuyến tham quan không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về quy trình sản xuất mà còn làm thay đổi suy nghĩ của nhiều em về sản phẩm mì ăn liền.
Về thành phần làm nên sản phẩm, các em khá thích thú khi biết nước mì có màu vàng bởi vì được dùng màu vàng từ củ nghệ. Củ nghệ tươi được ép lấy nước, qua hệ thống lọc khử mùi, trộn chung các loại bột, được định lượng chiết suất một cách kỹ lưỡng.
Các bạn học sinh tìm hiểu về những thành phần trong gói gia vị của các gói mì – Ảnh: THANH HIỆP
Em Lê Thị Hà Mi chia sẻ: “Trước đây khi ăn mì em khá lo lắng vì không biết nó có hợp vệ sinh và tốt cho sức khỏe hay không.
Nhưng sau khi đến đây, em ấn tượng với quá trình sản xuất nghiêm ngặt, công đoạn làm ra gói mì rất khép kín và an toàn. Nó đã thay đổi suy nghĩ của em, giúp em có nhiều kiến thức mới về công nghệ thực phẩm cũng như quá trình làm ra mì ăn liền”.
Các bạn học sinh được nhân viên của Acecook Việt Nam cho trải nghiệm ăn mì tại chỗ – Ảnh: THANH HIỆP
Nhiều em học sinh lo lắng ăn mì sẽ gây ra nóng trong người, chia sẻ về vấn đề này, anh Đặng Quang Vinh – nhân viên công ty – cho biết nguyên nhân việc nóng trong người không hoàn toàn do ăn mì gây ra, mà một phần do sinh hoạt không điều độ, thiếu nước, thiếu chất khi liên tục để mì làm bữa chính, ăn liên tục nhiều ngày.
Giúp các em định hướng nghề nghiệp
Em Lê Ngọc Quyên cho biết, sau khi tham quan nhà máy em cảm thấy thích thú và ấn tượng với không gian, quy trình sản xuất của nhà máy.
“Buổi tham quan đã kích thích sự tò mò của em, em muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về quy trình sản xuất và vận hành của nhà máy. Nếu được bố mẹ đồng ý, sau này lớn lên em hy vọng sẽ có cơ hội làm việc ở đây”, Quyên chia sẻ.
Sau chương trình tham quan, mỗi bạn học sinh được tặng mì và hình ảnh lưu niệm mang về nhà – Ảnh: THANH HIỆP
Thầy Lê Duy Minh – bí thư Đoàn Trường THCS Chi Lăng – đại diện đoàn tham quan cho biết việc trường quyết định cho học sinh tham quan nhà máy Acecook nhằm kết nối cho các em về lý thuyết với thực tế, giúp học sinh hình dung rõ hơn về quy trình sản xuất thực phẩm.
Qua đó các em hiểu sâu hơn những kiến thức đã học trong các môn khoa học, công nghệ.
Ngoài ra qua chuyến đi, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng quan sát, ghi chép, làm việc nhóm, giao tiếp, giúp tăng cường tình bạn, sự gắn kết giữa các học sinh.
“Đặc biệt, chương trình giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai tốt hơn qua khám phá các ngành nghề liên quan đến sản xuất, công nghệ thực phẩm”, thầy Minh nhấn mạnh.
Theo thầy Minh, đây là một hình thức giáo dục thực tế hiệu quả, kích thích sự tò mò, góp phần vào sự phát triển toàn diện của học sinh.