Kỳ vọng về một thành phố thông minh, bền vững

Các diễn giả cùng chia sẻ tại diễn đàn TP thông minh và bền vững 2024 chủ đề “Xã hội số – dẫn dắt tương lai bền vững của Việt Nam” – Ảnh: B.MINH

Đề cập về vai trò xã hội số, công dân thông minh, diễn đàn còn chia sẻ về mô hình quản trị siêu đô thị, kinh nghiệm từ các TP thông minh và bền vững như cơ sở tham khảo hướng tới một tương lai thông minh và bền vững hơn cho Việt Nam và khu vực.

Dân số trẻ là một cơ hội nhờ khả năng sẵn sàng học hỏi, tiếp thu công nghệ mới. Lãnh đạo TP.HCM sử dụng rất nhiều thuật ngữ về đổi mới, sáng tạo gần đây cho thấy điểm sáng rất lớn về định hướng phát triển. Và cần đảm bảo quá trình phát triển này bao trùm, không có ai bị bỏ lại phía sau.

PGS NGUYỄN QUANG TRUNG

Tiềm năng lớn của TP.HCM

GS Julia Gaimster – giám đốc cấp cao phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên tại RMIT Việt Nam – cho biết trường đã ký biên bản ghi nhớ với Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM vào tháng 6-2024, trong đó có nội dung về TP thông minh và bền vững.

Bà Gaimster nói chủ đề diễn đàn phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là dẫn đầu trong chuyển đổi số mà các tổ chức giáo dục ĐH đóng vai trò cơ bản giúp trang bị cho công dân và doanh nghiệp kỹ năng, kiến thức cần thiết.

Còn ông Brent Stewart – phó tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM – nhấn mạnh Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có tiềm năng lớn để phát triển TP thông minh và xã hội số, quan trọng là hướng tới phát triển bền vững.

Giới thiệu về Trung tâm TP thông minh và bền vững (SSC) của Trường ĐH RMIT Việt Nam, GS Jago Dodson – lãnh đạo SSC Hub – kỳ vọng trung tâm sẽ góp phần vào việc chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh.

“Tầm nhìn sẽ là TP.HCM trở thành nơi thực hiện các nghiên cứu, tập huấn, kết nối không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về phát triển bền vững và chuyển đổi số”, GS Fago Dodson nói.

Tận dụng hạ tầng công nghệ và kết nối số

Theo TS Trương Minh Huy Vũ – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với mức GDP bình quân đầu người đạt hơn 4.300 USD/năm.

Thời điểm này cũng chính là cột mốc quan trọng khi Việt Nam đứng trước ngã ba của sự phát triển. Từ cột mốc này, có quốc gia tiến lên phía trước nhưng cũng có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

“Nhiều cuộc thảo luận của lãnh đạo TP.HCM cũng nhắc nhiều về phát triển bền vững, chuyển đổi số và TP toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế chỉ là một chỉ số trong quá trình phát triển. Các chỉ số liên quan đến công dân ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hướng đến TP toàn cầu”, ông Vũ nói.

TS Huy Vũ phân tích các thách thức đang đối diện như nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực. Đã có nghiên cứu về các bài học xây dựng TP toàn cầu tại Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc mà các quốc gia này hiện cũng đối diện với nhiều thách thức. Vấn đề là ưu tiên nguồn lực và tìm giải pháp phù hợp.

Nói về thực trạng, thách thức phát triển TP thông minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, PGS Nguyễn Quang Trung – lãnh đạo SSC Hub – nói điều này đã là chủ đề của thế giới từ 25 năm trước.

“Chúng ta nói đến trong 7-8 năm gần đây là tương đối chậm. Mặt tích cực là Việt Nam và TP.HCM có thể học hỏi và tránh được những sai lầm của những nơi đi trước để điều chỉnh mô hình phát triển phù hợp”, ông Trung nêu ý kiến.

Theo ông Trung, việc hợp tác giữa khối công và khối tư sẽ rất quan trọng trong quá trình thực hiện, tạo nhiều dư địa hơn để khối tư có cơ hội tận dụng các thế mạnh, tiềm lực để đóng góp vào sự phát triển chung của TP.

Trong khi khu vực công giữ vai trò định hướng chiến lược phát triển và tạo cơ chế thông thoáng để triển khai.

“Mô hình TP thông minh, bền vững, chuyển đổi số cần có sự định hướng tốt, đủ pháp lý và nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng, công nghệ để kết nối.

Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia hạ tầng công nghệ và kết nối số. Vì vậy cần tận dụng thế mạnh này để thu hút đầu tư lớn, xếp hạng các ưu tiên trong quá trình phát triển”, ông Trung nói.

Nhân tố trẻ trong phát triển

Bà Võ Thị Trung Trinh – giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM và nhóm nghiên cứu Quản trị chuyển đổi thông minh (MST) – nói người trẻ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội số ở Việt Nam.

Đó cũng là một trong các chiến lược được dùng để tiếp cận và lan tỏa trong các gia đình, khuyến khích chuyển đổi số, tăng cường sử dụng các ứng dụng.

“Một trong những bài toán cần giải là tạo được thói quen liên quan đến kỹ thuật số. Đặc biệt phải đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đồng đều, nhất là nhóm dân số lớn tuổi”, bà Trinh nhấn mạnh.

Trở thành TP đáng sống

GS Melanie Davern – giám đốc Trung tâm Quan sát đô thị Úc – cho rằng TP thông minh là chưa đủ mà cần phải có nguồn vốn con người.

Là một trong các TP trọng tâm, muốn thu hút nguồn nhân lực tốt nhất cần phải xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống không chỉ về kinh tế mà cả các yếu tố xã hội.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm TP đáng sống nhưng một trong những điều quan trọng là yếu tố sức khỏe và sự công bằng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ, tiện nghi.

Khía cạnh này rất rộng, đòi hỏi cái nhìn toàn diện, tiếp cận mang tính hệ thống, có sự tương tác và tham gia của rất nhiều bên.

“Sự gia tăng dân số sẽ dẫn đến rủi ro bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe mãn tính như tim mạch, đột quỵ, các vấn đề về giao thông vận tải, dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Đây là những vấn đề mà các TP đang phát triển nhanh như TP.HCM sớm đối mặt”, GS Davern nói.

Kỳ vọng về một TP thông minh, bền vững - Ảnh 2.Người trẻ mong muốn gì ở TP thông minh?

TTO – Những sinh viên đã có những ý kiến, kỳ vọng gửi về diễn đàn “Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM” do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức với sự phối hợp của báo Tuổi Trẻ và Hội Tin học TP.HCM.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *