“Bí mật” nằm ở chỗ túi xách và mảnh vải được gắn loại pin sợi quang hiệu suất cao.
Theo China Daily, cùng với sự phổ biến của smartphone và những thiết bị thông minh khác, pin đeo được ngày càng trở nên cần thiết và là một lĩnh vực nghiên cứu nóng trên thế giới.
Để tạo ra loại pin này, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến việc thay thế chất điện phân lỏng thông thường bằng chất điện phân gel polymer, để đảm bảo an toàn và giúp tăng cường tính linh hoạt của nó.
Tuy nhiên chất điện phân gel polymer và điện cực lại tiếp xúc kém do không đủ ướt khiến hiệu suất điện hóa giảm, đặc biệt khi pin bị biến dạng.
Vấn đề này đã khiến nhóm nghiên cứu của giáo sư Peng Huisheng tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc trăn trở trong nhiều năm, cho đến một ngày Peng được truyền cảm hứng khi nhìn thấy những dây leo thường xuân quấn chặt quanh một cây khác.
Ông phát hiện dây leo tiết ra một chất lỏng có khả năng thấm ướt tốt, chất lỏng này có thể xâm nhập vào cấu trúc lỗ trên bề mặt tiếp xúc giữa hai loại cây, sau đó monome trong chất lỏng sẽ “dán” dây leo vào cái cây kia, quấn chúng lại với nhau.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã thiết kế cấu trúc kênh trong các điện cực để kết hợp chất điện phân gel polymer, tạo thành các giao diện ổn định và chặt chẽ cho pin đeo.
Với giải pháp này, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được hàng km pin lithium-ion sợi với mật độ năng lượng 128 watt/giờ, có thể cung cấp điện cho các thiết bị công suất cao như máy bay không người lái.
Sau đó, pin sợi được chế tạo thành vải, túi xách có khả năng sạc điện thoại di động và những thiết bị đeo khác như đồng hồ thông minh…
Tại một cuộc họp báo mới đây, nhóm nghiên cứu đã trưng bày một mảnh vải và một chiếc túi trông bình thường, nhưng khi đặt điện thoại di động vào thì màn hình điện thoại báo đang sạc.
Các nhà khoa học giới thiệu loại túi xách và vải có thể sạc điện thoại vô cùng tiện lợi
Ứng dụng trong cứu trợ thiên tai, hàng không vũ trụ…
Giáo sư Peng Huisheng cho biết họ đã thiết lập được một dây chuyền sản xuất thí điểm đạt công suất sản xuất 300 watt/giờ, tương đương pin có khả năng sạc cùng lúc 20 điện thoại di động.
Công nghệ này cũng có thể cung cấp năng lượng hiệu quả cho những bộ đồ sưởi ấm vào mùa đông.
Nó cũng hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong chữa cháy, cứu trợ thiên tai, thám hiểm vùng cực và hàng không vũ trụ.
Nghiên cứu được công bố tuần này trên tạp chí Nature.