Khốn khổ khi shipper thật bị cho là shipper dỏm
Ngay khi chuyện “shipper dỏm” mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt được Tuổi Trẻ Online đăng tải, chúng tôi đã có dịp trò chuyện nhiều hơn với một số người làm nghề giao hàng, từ đó hiểu thêm sự tình.
Tùng (một shipper tại quận Bình Tân, TP.HCM) kể, từ khi có các “shipper dỏm” xuất hiện, shipper chân chính là người chịu điều tiếng.
Theo Tùng, trước đây hình thức lừa đảo bằng việc giao đơn hàng trống, lừa bắt chuyển khoản không có. Trong 2 năm trở lại, việc này diễn ra ngày càng nhiều, hình thức càng lúc càng tinh vi.
Tùng “thề”, luôn tôn trọng đạo đức nghề và sự riêng tư, bảo mật thông tin khách hàng và các quy định của công ty. Các đồng nghiệp quanh Tùng cũng nói thế.
Cái khổ đầu tiên mà anh cũng như các shipper chân chính phải chịu là những điều tiếng, ngờ vực rằng chính họ là người thực hiện các hành vi lừa đảo đó, hoặc bán thông tin khách hàng cho một bên khác. “Tôi có gan lừa đảo thì đâu chạy ship làm chi. Tôi thề có trời, không bao giờ bán thông tin hay gì đó, thất đức lắm. Tôi chỉ muốn làm việc kiếm vài ngàn đồng một đơn trong yên ổn thôi”, Tùng nói.
Kể tiếp, việc khách hàng liên tục bị các “shipper dỏm” gọi điện làm phiền, đến khi shipper thật gọi liền bị gắn mác là lừa đảo, không nghe máy. Có khách còn báo cáo số điện thoại của Tùng lên tổng đài là spam, lừa đảo, quấy rầy…
Bị xua đuổi, đòi đánh chỉ vì khoác áo shipper
Nam (một shipper tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể đã theo nghề giao hàng được 3 năm. Khi biết chuyện khách hàng bị các shipper dỏm lừa, anh cũng tức tối lắm, nhưng không biết làm gì. Thậm chí chính anh còn từng chịu nhiều uất ức từ vấn nạn shipper dỏm.
Theo đó, Nam kể bao lần đến giao hàng cho một khách, nếu không có nhà sẽ đều gọi điện rồi đôi hàng vào nhà (theo đề nghị của khách – PV). Nhưng sau đó, khi giao hàng đến, Nam bị một người đàn ông là chồng của nữ khách hàng xua đuổi.
Nam ngớ người, không hiểu vấn đề nên liền gọi theo số người nhận. Mãi sau mới biết vài ngày trước chị khách trong lúc bận công việc bên ngoài thì bị shipper dỏm gọi điện, nói đang giao hàng ở nhà và yêu cầu chuyển khoản.
“Chắc vì bận quá nên khi bị hối thúc chuyển khoản, bà này chuyển luôn. Tui giao cho bà hoài nên biết, toàn thanh toán trước hết, mà không biết sao lại thế”, Nam kể.
Shipper Đăng (tại huyện Bình Chánh) cho hay bị đuổi là nhẹ, vì chính anh còn từng bị đuổi đánh.
Có lần anh Đăng giao hàng đến cho một hộ gia đình. Sau khi gọi điện và được báo “chờ một chút”, Đăng đứng chờ ở cổng nhà. Sau chừng 1 phút dừng xe ở cổng thì có hai người đàn ông đến, có lời lẽ xúc phạm, tố Đăng là “kẻ lừa đảo, dòm ngó nhà người ta để vào trộm”.
“Họ vây đánh nên tôi phải lái xe bỏ chạy. Sau người nhà gọi điện xin lỗi, giải thích vì mới bị lừa bằng việc giao hàng nhưng mở túi thì chỉ có đá sỏi”, Đăng ngao ngán kể.
Cả Đăng và Nam sau đó đều chấp nhận lời xin lỗi và bỏ qua mọi việc. Lớn hơn sự ấm ức vì bị xua đuổi, vây đánh là sự bất lực vì các “shipper dỏm”.