Việc chia phe chủ yếu là để 8 tiếng nơi công sở đỡ nhàm chán, tuy nhiên lại dẫn đến nhiều ảnh hưởng trong công việc.
“Nỗi đau” chọn nhầm phe yếu
Chị Thu Dung (24 tuổi), nhân viên văn phòng một công ty tại TP Đà Nẵng, kể ngày đầu đi làm, chị nhờ một chị gái ngồi cạnh chỉ bày vài điểm mình chưa thạo. Hai chị em trò chuyện vui vẻ với nhau. Thân thiết được hơn 1 tuần, chị nhận ra người này là “hội trưởng” trong phe có 5 nữ và chị Dung mặc nhiên trở thành người thứ 6 của nhóm này. Trong công ty cũng có một nhóm nữ là “phe đối lập”.
Không chỉ tham gia cùng nhau tám chuyện qua nhóm chat, trong giờ giải lao, họ cùng hẹn săn sale, bàn về những drama trong công ty… Không chỉ nội bộ phòng, những chủ đề nhóm bàn luận còn liên quan đến phòng khác, thậm chí chuyện từ nhà máy cũng đến tai và đem ra bàn.
“Sau 1 năm đi làm, tôi nhận ra mình đã trót chọn nhầm phe yếu khi trưởng nhóm không đủ sắc sảo, không đủ tiếng nói nên không có sức ảnh hưởng với sếp. Nhưng phải làm sao, vì giờ không thể gia nhập phe đối diện, tách phe thì bơ vơ”, chị Dung chia sẻ.
Chị Thái Hà (27 tuổi) là nhân viên của một công ty lớn. Văn phòng chị có 300 nam nhưng chỉ 8 nữ, số nữ này vẫn chia thành 2 phe. Chị Hà lý giải, khi mình bất mãn một người, sẽ có xu hướng tìm người khác để tâm sự. Nếu họ cùng quan điểm, chí hướng và nhận định thì sẽ chơi với nhau. Ai không cùng thì ghét luôn, tìm người khác, cứ thế tạo thành phe.
“Khi không chọn về phe nào thì buộc mình phải mạnh, giỏi toàn diện để tự tin xử lý mọi công việc. Nhưng ai cũng có những điểm yếu nên nhất định phải chọn chơi chung nhóm để cùng hỗ trợ nhau công việc. Khi đã hình thành phe trong công ty, nhân viên mới vào đều buộc phải chọn phe”, chị Hà nói.
Theo chị Hà, việc chia phe trong công ty cũng với mục đích tám chuyện cho đỡ nhàm chán 8 tiếng/ngày ở văn phòng. Vì vậy, sau thời gian dài, dù có giỏi việc rồi vẫn muốn có phe, vì nếu không chọn phe sẽ cảm thấy lạc lõng.
Việc chọn phe phải dựa trên yếu tố quan trọng nhất là cùng quan điểm và tư duy. Nhưng nhiều lần chị cũng không cùng quan điểm với các thành viên trong nhóm, song vẫn nương theo vì đã “cùng hội cùng thuyền”.
Khi không chọn phe nào
Nhiều người cho rằng việc chia phe chị em ở công sở cũng như chọn nhóm bạn chơi chung thời đi học, song thực tế việc này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, tính khách quan trong công việc và nhiều lúc chính công ty chịu ảnh hưởng.
Công ty trả lương thưởng đánh giá dựa trên năng lực, việc phe phái càng căng thẳng hơn, khi ý nghĩa phe phái vượt ra khỏi “tinh thần” mà còn cạnh tranh mang tính lợi ích. Trong khi đa số nam giới chọn “độc lập” và “sống chung”, nhiều chị em thừa nhận muốn chọn phe riêng ở chốn công sở.
Chị Nhật Tuyền (29 tuổi, TP.HCM) cho biết ở công ty chị đa phần là nhân viên nữ, số này chia thành 5 phe và thường xuyên cạnh tranh, nói xấu nhau. Không muốn vướng vào những cảm xúc tiêu cực, chị đã không chọn phe.
Nhưng vì không theo phe nào, chị luôn bị các đồng nghiệp khác nhìn mình như “gián điệp”, dè chừng và gần như cô lập. “Tôi sợ đến công ty cũng vì lý do đó, nên thường kiếm quán cà phê hay ở nhà làm việc, chỉ lên công ty khi cần thiết”, chị Tuyền nói.
Mệt mỏi vì phe phái
Anh N. là trưởng bộ phận của một công ty tại TP.HCM cho biết: “Công ty có nhiều phe phái của chị em, chỉ xích mích nhau những chuyện lặt vặt mà nội bộ thường xuyên xảy ra lục đục. Có những công việc không đi đến thống nhất được vì lý do không bên nào chịu bên nào. Tôi rất mất thời gian để xử lý những việc nhỏ nhặt như vậy”.