Lạc lối với môn học lựa chọn – Kỳ 1: Hệ lụy của ‘chọn món trên mâm’

Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Ở cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thường gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài 6 môn học bắt buộc (không kể hoạt động giáo dục bắt buộc), học sinh được chọn 4 trong số 9 môn học còn lại (nhóm môn học lựa chọn). Đây là thiết kế mềm dẻo, phân hóa mạnh hơn so với chương trình cũ nhằm giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp tương lai.

Nhưng điểm bất cập lại nằm ở chỗ thời điểm học sinh phải “lựa chọn hướng đi cho tương lai” – chọn môn học thuộc nhóm “lựa chọn” – thì các em lại thiếu thông tin, không được tư vấn kỹ.

Phần lớn các trường THPT vẫn chỉ để học sinh chọn theo các tổ hợp môn thuận lợi cho việc tổ chức của trường (phù hợp với số giáo viên, cơ sở vật chất và cách quản trị) chứ chưa thể cho học sinh lựa chọn hoàn toàn theo mong muốn, sở thích và định hướng nghề nghiệp. Có nghĩa chỉ có thể “chọn món trên mâm”.

Lý, hóa, sinh lép vế

Theo thiết kế từ đầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 3 nhóm môn lựa chọn, mỗi nhóm có 3 môn. Học sinh được phép chọn 5 môn lựa chọn với điều kiện mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn. Quy định này nhằm để học sinh không chọn quá lệch về nhóm khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Nhưng sau khi môn lịch sử được đưa sang nhóm môn học bắt buộc ở thời điểm sát nút triển khai, các nhóm lựa chọn bị phá vỡ. Học sinh chọn 4 môn trong 9 môn học không kèm theo điều kiện như trước.

Việc này dẫn tới tình trạng học sinh chọn lệch, nghiêng nhiều về nhóm môn khoa học xã hội, nhất là học sinh ở các vùng nông thôn, điều kiện dạy học không thuận lợi.

Nhiều trường tổ chức 6 – 8 nhóm môn học lựa chọn, nhưng số lớp lựa chọn nhóm có 2 môn khoa học xã hội chiếm tỉ lệ cao (địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật). Trong số các môn còn lại, môn vật lý và tin học được lựa chọn nhiều hơn, các môn công nghệ và sinh học rất ít học sinh muốn chọn. Nhiều trường không tổ chức dạy mỹ thuật, âm nhạc do không có giáo viên và cũng ít học sinh có nhu cầu. Có trường không có học sinh chọn tổ hợp có môn công nghệ.

Việc tổ chức lớp học theo nhóm môn học khác nhau của các nhà trường thường dựa trên khảo sát nhu cầu học sinh lớp 10 và điều kiện (giáo viên, phòng học). Nhiều trường ban đầu dự định tổ chức nhiều tổ hợp nhưng sau đó co lại dần, chỉ giữ những tổ hợp gần với khối thi đại học truyền thống. “Mâm cơm ít món” nên lựa chọn của học sinh cũng hạn chế hơn so với mục tiêu ban đầu của chương trình mới ở cấp học này.

Theo một số liệu được các chuyên gia cung cấp tại tọa đàm nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức mới đây), các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai, Hậu Giang… có số học sinh chọn nhóm các môn học lý, hóa, sinh chỉ đạt 11 – 15% trong số học sinh lựa chọn môn học ở lớp 10.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, nhu cầu chọn môn học cân bằng hơn giữa hai nhóm môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Nhưng số học sinh chọn nhiều môn khoa học xã hội hơn vẫn trội lên. Tại Hà Nội, môn vật lý và lịch sử được nhiều học sinh chọn hơn trong khi hóa, sinh, công nghệ… tỉ lệ lại thấp.

TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), khi khảo sát phục vụ đề tài tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đã chia sẻ có những trường giáo viên lý, hóa chỉ còn 4 – 5 tiết/tuần vì có quá ít học sinh chọn học các môn này. Để đảm bảo đủ số tiết/tuần theo quy định, nhiều giáo viên phải làm kiêm nhiệm các công việc khác để quy đổi ra số tiết.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh phải đẩy mạnh giáo dục STEM ở phổ thông, đầu tư mạnh mẽ hơn cho các ngành kỹ thuật công nghệ hiện nay thì tình trạng từ chối chọn lý, hóa, sinh với số đông học sinh THPT hiện nay là mối nguy.

Lạc lối với môn học lựa chọn - Kỳ 1: Hệ lụy của 'chọn món trên mâm' - Ảnh 2.

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Ngày hội tự tin vào lớp 10 diễn ra hồi tháng 3-2024 – Ảnh: MỸ DUNG

Chấp nhận khó khăn để nhiều “món”

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai 3 năm học, đủ thời gian để các nhà trường rút ra bài học từ thực tiễn để có thể điều chỉnh cách làm giúp cho học sinh có nhiều lựa chọn và cũng hướng đến việc cân bằng hơn trong lựa chọn môn học. Nhưng đặt ưu tiên vì người học, các trường phải chấp nhận những khó khăn.

Cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), chia sẻ cách sắp xếp của trường cố gắng hướng đến cá nhân hóa thời khóa biểu của mỗi học sinh. Theo cách đó, các lớp định hướng khoa học tự nhiên của trường này sẽ có các môn cố định (trong nhóm môn lựa chọn) là lý – hóa – sinh.

Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ được chọn linh hoạt thêm môn lựa chọn thứ tư theo thời khóa biểu cá nhân với các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý, tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật. Lớp định hướng khoa học xã hội có các môn cố định là lịch sử, địa lý. Học sinh được chọn thêm môn thứ tư linh hoạt theo thời khóa biểu cá nhân với các môn vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ.

Với cách bố trí trên, năm học 2024 – 2025 trường chỉ có 29 lớp 10 cố định nhưng có những ngày số lớp đội lên 32. Có lớp sĩ số 40 nhưng có lớp chỉ 10, tùy theo các môn mà học sinh lựa chọn. Để bố trí linh hoạt và tăng cơ hội lựa chọn cho học sinh, việc thiết kế thời khóa biểu phải khoa học, tỉ mỉ và điều chỉnh linh hoạt. Ngoài ra cũng cần phải có điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất tốt. Vì thế chỉ các trường công lập tự chủ và trường tư mới có khả năng làm được điều này.

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết muốn học sinh bớt “lạc lối” trong chọn môn thì cần sắp xếp nhiều lựa chọn và tư vấn kỹ. Trường THPT Trần Phú bố trí các lớp theo 8 – 10 nhóm môn lựa chọn. Trong số này có các nhóm định hướng khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhóm tổng hợp có đầy đủ các môn học dành cho những học sinh chưa có định hướng rõ ràng từ lớp 10.

“Học sinh lớp 10 sẽ có 2 lựa chọn nhóm môn học. Ngoài ra những học sinh chưa có định hướng rõ ràng sẽ học các lớp theo nhóm môn tổng hợp. Sau 1 học kỳ hoặc 1 năm học các em có thể tìm hiểu thông tin về xét tuyển đại học, nghề nghiệp tương lai đồng thời cũng tự đánh giá khả năng của mình phù hợp với tự nhiên hay xã hội và quyết định điều chỉnh.

Những học sinh muốn chuyển đổi môn lựa chọn sẽ đăng ký với nhà trường và tổ tư vấn của trường sẽ hướng dẫn học sinh tự học, tạo điều kiện cho học sinh bổ sung kiến thức và kiểm tra vào trước năm học mới”, cô Yến cho biết.

(còn tiếp)

Sự chủ động của nhà trường

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chia sẻ nếu trường chỉ xếp lớp theo điều kiện thuận lợi của mình thì học sinh sẽ dễ “lạc lối” vì học sinh THCS không có nhiều thông tin định hướng nghề nghiệp, trong khi 3 năm qua việc tuyển sinh đại học cũng có nhiều biến động.

“Chúng tôi phải chủ động tìm hiểu về các tổ hợp xét tuyển tương ứng với các ngành nghề ở bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp để xây dựng các nhóm môn lựa chọn phù hợp. Hiện trường có 8 nhóm môn lựa chọn. Các nhóm đều phải đan xen môn tự nhiên và xã hội”, cô Quỳnh nói.

Chọn bừa, thiếu thông tin hướng nghiệp

Theo nhiều chuyên gia, về cơ bản học sinh vào lớp 10 đều thiếu thông tin hướng nghiệp. Nhiều phụ huynh, học sinh còn không ý thức đúng về tầm quan trọng của việc lựa chọn môn học nên chọn bừa, chọn những môn dễ học và dễ có điểm cao.

Sự thay đổi trong xét tuyển đại học, việc phát sinh nhiều kỳ thi để xét tuyển đầu vào như thi đánh giá tư duy, thi đánh giá năng lực… cũng khiến các nhà trường và học sinh bối rối trong chọn môn.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, hiệu trưởng Trường THPT Lomonoxop (Hà Nội), cho biết gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội công bố về điều chỉnh bài thi đánh giá năng lực. Trường tôi có 2 lớp 12 gồm 70 học sinh không chọn môn học nào trùng với môn học có liên quan tới bài thi đánh giá năng lực của cơ sở đào tạo này (trừ các môn bắt buộc).

Như vậy, các em sẽ không có cơ hội sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Việc chọn môn học từ lớp 10, trong khi mỗi năm công tác xét tuyển đại học lại có những thay đổi nên sẽ rất khó khăn cho học sinh.

Lạc lối với môn học lựa chọn - Kỳ 1: Hệ lụy của 'chọn món trên mâm' - Ảnh 3.

Một tiết học toán thực tế của học sinh lớp 10D2 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Bị từ chối hồ sơ du học vì thiếu lý, hóa

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ sau 3 năm, tình trạng mất cân đối giữa việc lựa chọn nhóm môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là một bất cập lớn.

Trường THPT Chu Văn An có 6 nhóm môn lựa chọn cho các lớp 10, trong đó các lớp đều phải học lý và hóa. Theo cô Nhiếp, có một số học sinh không thích học lý – hóa, phụ huynh cũng thắc mắc việc xếp lớp nhóm môn như thế giống trường chuyên khoa học tự nhiên.

“Nhiều học sinh có hướng du học sau khi tốt nghiệp THPT đã bị các trường đại học nước ngoài từ chối hồ sơ do đã không học lý, hóa ở cấp THPT”, cô Nhiếp giải thích.

Trường THPT Chu Văn An phải tuyển thêm giáo viên dạy lý để đảm bảo thời lượng dạy học cho tất cả học sinh. Theo cô Nhiếp, những học sinh lớp 11 năm học trước đã không chọn lý – hóa nhưng giờ có nhu cầu điều chỉnh, trường cũng tạo điều kiện dạy bù chương trình lớp 10 và tổ chức cho học sinh kiểm tra bổ sung để đạt điều kiện.

Chia sẻ về điều này, GS Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên chương trình môn toán 2018, cũng cho biết riêng ở Úc có ít nhất 5 đại học lớn từ chối nhận sinh viên không học lý, hóa ở cấp THPT. Sinh viên học ngành kinh tế hay luật cũng bắt buộc phải học lý, hóa ở cấp THPT.

“Họ xem việc học các môn tự nhiên là để rèn năng lực tư duy, lập luận, khả năng giải quyết vấn đề. Và lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng cần các năng lực đó. Cũng chính vì thế mà giáo dục STEM (sự kết hợp kiến thức của các môn học tự nhiên để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống) là xu hướng tất yếu ở bậc phổ thông của nhiều quốc gia”, ông Thái nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *