Thay vì là ‘chiến thần’ trên đường, tôi muốn trở thành người lái xe bình tĩnh, hòa nhã

Tranh minh họa: cuoi.tuoitre.vn

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời gian gần đây khi lái xe trên đường, có những việc tưởng chừng rất đơn giản lại trở thành chuyện lớn vì sự nóng nảy, thiếu kiềm chế của người cầm lái.

Mới đây nhất là mạng xã hội rộ lên đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên đi xe máy ở quận Bình Tân, TP.HCM bất ngờ giơ chân đạp mạnh vào tay lái một người đàn ông chạy cùng chiều khiến người này loạng choạng rồi ngã nhào xuống đường.

Góp thêm góc nhìn về văn hóa giao thông, bạn đọc Phương Phương đã có chia sẻ gửi đến Tuổi Trẻ Online.

Tăng tốc để “trả đũa” hoặc cái lườm đầy tức tối

Thông tin thanh niên 19 tuổi đi xe máy đạp vào tay lái người chở hàng làm nạn nhân ngã nhào xuống đường ở quận Bình Tân (TP.HCM) sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến.

Những dòng bình luận phía dưới đầy phẫn nộ: “Vô văn hóa!”, “Hành xử côn đồ trên đường phố ngày càng nhiều!”, ” Cần xử lý nghiêm những trường hợp côn đồ, gây nguy hiểm cho người khác như thế này”…

Tôi cũng không ngoại lệ, bức xúc vô cùng.

Nhưng chỉ vài phút sau, khi mặc kín như ninja và ngồi trên chiếc xe quen thuộc của mình, tôi giật mình nhớ lại: “Khoan đã, mình cũng từng có lúc hành xử kỳ quặc gần như thế”.

Tôi là nhân viên văn phòng bình thường, được bạn bè, đồng nghiệp miêu tả là hiền lành, điềm tĩnh và có phần hơi “mít ướt”. Nhưng…

Buổi sáng nọ, đang thong thả đi làm thì một thanh niên chở hàng bất ngờ rẽ phải, không xi nhan suýt chút nữa làm tôi ngã. Không kịp suy nghĩ, tôi hét lên: “Có biết chạy xe không? Đường là của nhà ông à?!”.

Khi dừng đèn đỏ, cơn giận vẫn còn âm ỉ. Tôi bật xi nhan không ngừng để gây chú ý, cố tình vọt lên chắn trước xe anh ta khi đèn chuyển xanh. Tôi không nghĩ mình sẽ làm vậy, nhưng đang cơn giận, cảm xúc đã vượt qua lý trí.

Thêm vào đó, tâm lý vô danh trên đường cũng khiến tôi trở nên táo bạo hơn. Ai quan tâm tôi là ai khi tôi đang đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mít?

Tôi thoải mái hơn trong việc bộc lộ cảm xúc, đôi khi là một vài tiếng chửi thề, một cú ga tăng tốc để “trả đũa” cho bõ tức hay cái lườm đầy tức tối.

Đường phố không phải chiến trường, chúng ta không cần phải thắng thua

Không chỉ mình tôi, rất nhiều người lái xe máy, ô tô cũng rơi vào trạng thái này. Một người bạn của tôi, vốn là giảng viên đại học hiền lành, thú nhận anh đã không kiềm chế được cơn giận khi bị một chiếc xe tải chèn ép giữa đường.

“Tao đã bám sát nó suốt một đoạn dài, bấm còi liên tục để trả đũa”, anh cười, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên sự khó chịu khi kể lại. 

Tôi từng tự trấn an mình rất nhiều lần. Có những ngày, tôi cố gắng hít thở sâu, hát nhẹ bài nhạc yêu thích để giữ bình tĩnh trên đường. Nhưng chỉ cần một tiếng còi xe vô duyên cũng đủ làm tôi nổi giận ngay lập tức.

Các chuyên gia tâm lý gọi hiện tượng này là “cơn thịnh nộ trên đường”.

Đó là vấn đề về hành vi, còn là một dạng rối loạn tâm lý. Khi cảm xúc bị dồn nén, áp lực tích tụ trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chiếc xe hoặc hành vi nào đó trở thành nơi dễ dàng nhất để chúng ta giải tỏa.

Tôi đang cố gắng thay đổi. Mỗi khi thấy mình sắp bốc hỏa, luôn tự nhắc nhở: “Người kia có thể đang vội, hoặc đơn giản là không cố ý”. Tôi cũng hạn chế việc tham gia vào các cuộc “trả đũa” trên đường, vì đôi khi hậu quả có thể không chỉ dừng lại ở một cú ngã như trong đoạn video kia.

Có lẽ, điều quan trọng phải nhớ rằng khi tham gia giao thông, chúng ta chịu trách nhiệm cho mình, còn cho những người xung quanh. Và thay vì trở thành một “chiến thần”, tôi muốn học cách trở lại làm chính mình: một người lái xe bình tĩnh, hòa nhã.

Mỗi khi thấy mình sắp nổi nóng trên đường, tôi cố hít một hơi thật sâu và nhớ: “Đường phố không phải chiến trường, và chúng ta không cần phải thắng thua”.

Đừng lái xe khi đang tức giận

Bác sĩ Thanh Bình, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ cách tốt nhất để tránh “cơn thịnh nộ trên đường” là không bao giờ lái xe khi đang tức giận.

Theo bác sĩ Thanh Bình, việc kiểm soát cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Người lái xe cần rèn luyện khả năng tự điều chỉnh tâm trạng, tránh lái xe khi tinh thần đang quá kích động hoặc thiếu ổn định.

Những người dễ bị kích động cần chú trọng hơn đến việc duy trì sự cân bằng cảm xúc khi tham gia giao thông.

Các hoạt động như chơi thể thao, ca hát, hay lên kế hoạch cho các chuyến du lịch ngắn ngày có thể là phương pháp hữu hiệu giúp giải tỏa áp lực và giảm căng thẳng tích tụ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *