Do các hạt vi nhựa dễ dàng xâm nhập vào mô cơ thể, việc tìm hiểu những rủi ro mà chúng có thể gây ra cho sức khỏe là rất cần thiết.
Vi nhựa xuất hiện trong các mảng xơ vữa
Các nhà nghiên cứu đã tích cực nghiên cứu tác động của vi nhựa trên các mô hình mô phỏng cơ quan và trên chuột để hiểu chúng có thể ảnh hưởng thế nào đến cơ thể người. Tuy nhiên, nồng độ vi nhựa được sử dụng trong các nghiên cứu này có thể không phản ánh chính xác mức độ tiếp xúc trong thực tế của con người, và số lượng nghiên cứu trên người còn khá ít.
Vào tháng 3, một nghiên cứu nhỏ ở Ý đã phát hiện các mảnh vi nhựa trong các mảng xơ vữa được phẫu thuật loại bỏ từ những bệnh nhân trải qua thủ thuật mở động mạch bị tắc. Nghiên cứu cũng theo dõi kết quả sức khỏe của họ gần 3 năm sau đó.
Thủ thuật loại bỏ các mảng xơ vữa từ động mạch bị hẹp, gọi là phẫu thuật cắt nội mạc động mạch cảnh, giúp giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Raffaele Marfella, nhà nghiên cứu y khoa tại Đại học Campania ở thành phố Naples (Ý), đã đặt câu hỏi liệu nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc tử vong có khác biệt giữa những bệnh nhân có vi nhựa trong mảng xơ vữa so với những người không có hay không.
Theo dõi 257 bệnh nhân trong 34 tháng, các nhà nghiên cứu phát hiện gần 60% bệnh nhân có một lượng nhựa polyethylene đo được trong mảng xơ vữa được loại bỏ, và 12% bệnh nhân cũng có polyvinyl chloride (PVC) trong các mảng chất béo được lấy ra.
PVC, ở dạng cứng hoặc mềm, được sử dụng để sản xuất ống nước, chai nhựa, sàn nhà và bao bì. Polyethylene là loại nhựa được sản xuất phổ biến nhất, dùng cho túi nhựa, màng bọc, và chai nhựa.
Do vi nhựa trước đây đã được phát hiện trong máu người nên mối lo của các nhà nghiên cứu liên quan đến sức khỏe tim mạch là hợp lý.
Nhiều tác hại lên sức khỏe con người
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa có thể gây viêm và căng thẳng oxy hóa trong tế bào tim, làm suy giảm chức năng tim, thay đổi nhịp tim, và gây sẹo ở tim của động vật như chuột.
“Dữ liệu quan sát từ các nghiên cứu về phơi nhiễm nghề nghiệp cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn ở những người tiếp xúc với ô nhiễm liên quan đến nhựa, bao gồm polyvinyl chloride, so với dân số nói chung”, Marfella và các đồng nghiệp viết.
Trong nghiên cứu, những bệnh nhân có vi nhựa trong các mảng xơ vữa bị loại bỏ có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim không gây tử vong hoặc tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn 4,5 lần sau 34 tháng so với những người không phát hiện vi nhựa trong các mảng xơ vữa được loại bỏ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một nghiên cứu quan sát như thế này không thể kết luận chắc chắn rằng vi nhựa gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến tim, mà chỉ ra rằng có mối liên hệ. Nghiên cứu này cũng không xem xét đến các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch, như hút thuốc, ít vận động, và ô nhiễm không khí.