Tại sao ông Trump miễn thuế đối ứng với smartphone và loạt đồ điện tử khác?

Tổng thống Trump thăm nhà máy sản xuất của Apple tại Mỹ cùng CEO Apple, ông Tim Cook hồi năm 2019 – Ảnh: REUTERS

Tối 12-4 (giờ Mỹ), Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ thông báo sẽ miễn áp thuế đối ứng với một số thiết bị điện tử nhập khẩu vào Mỹ. 

Danh sách 20 mặt hàng cũng được nêu cụ thể, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, ổ cứng, màn hình máy tính và máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, chip. 

Tuy nhiên theo ông Stephen Miller – phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách của ông Trump, những thiết bị điện tử này vẫn phải chịu mức thuế quan 20% đã áp đầu năm nay với Trung Quốc.

Dẫu vậy các mặt hàng điện tử tiêu dùng nói trên sẽ tránh được mức thuế 145% áp dụng riêng với hàng hóa từ Trung Quốc và 10% với các nền kinh tế khác. Đó thực sự là một tin tốt cho các công ty như Apple hay NVIDIA của Mỹ.

Kết quả từ vận động hành lang

Khi được hỏi về lý do đằng sau lệnh miễn trừ hàng điện tử, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong một tuyên bố: “Tổng thống Trump đã nói rõ rằng nước Mỹ không thể dựa vào Trung Quốc để sản xuất các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, chip, điện thoại thông minh và máy tính xách tay”.

Bà Leavitt nói rằng “theo chỉ đạo của tổng thống”, các công ty bao gồm Apple, TSMC và Nvidia “đang nỗ lực đưa hoạt động sản xuất của họ vào Mỹ càng sớm càng tốt”. 

Có thể thấy tuyên bố đã uyển chuyển vấn đề, tránh thừa nhận việc chính quyền Trump đang đối mặt với nhiều áp lực từ các tập đoàn công nghệ và cả người tiêu dùng Mỹ.

Nói với Đài CNBC, ông Dan Ives, giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại Công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities, gọi việc miễn áp thuế là “viễn cảnh trong mơ đối với các nhà đầu tư công nghệ”.

“Tôi nghĩ rằng cuối cùng các giám đốc điều hành công nghệ lớn đã lên tiếng mạnh mẽ và Nhà Trắng phải hiểu, lắng nghe tình hình rằng đây sẽ là ngày tận thế đối với giới công nghệ lớn nếu thuế quan được thực hiện”, ông Ives nói.

Tương tự như vậy, ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics tại Bắc Mỹ, cho biết các trường hợp ngoại lệ về thuế quan cho thấy “một phần sự hạ nhiệt cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc”.

“Tuy nhiên sẽ có những người chiến thắng lớn hơn ở châu Á, vì các miễn trừ áp dụng cho tất cả các nền kinh tế, không chỉ Trung Quốc. 

Điều đó tương đương 64% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Đài Loan hiện được miễn thuế quan đối ứng 10%, 44% từ Malaysia và gần 30% từ cả Việt Nam và Thái Lan, 10 – 12% hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Mexico hiện cũng sẽ được miễn”, ông Ashworth nói thêm.

Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ, những công ty đã phải chịu thuế nhập khẩu cao kể từ ngày 5-4 có thể nộp đơn đề nghị hoàn những khoản tiền thuế đã nộp.

Thông điệp cho các công ty và các nước

“Những miễn trừ này có lẽ sẽ không phải là lần cuối cùng. Sự thành công của Tim Cook và Apple trong việc làm cho điện thoại thông minh của mình được miễn thuế có khả năng thúc đẩy hoạt động vận động hành lang của các công ty trong những lĩnh vực khác”, ông Ashworth nêu nhận định.

Kể từ khi ông Trump công bố mức thuế của mình, Apple là một trong những công ty công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư UBS, chi phí của iPhone sẽ tăng theo cấp số nhân theo thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc được thực thi. Giá của một chiếc iPhone 16 Pro Max (có dung lượng lưu trữ 256GB) có thể tăng 79% từ 1.199 USD lên khoảng 2.150 USD.

Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của thuế quan của ông Trump, Apple được cho là đã thuê các chuyến bay chở hàng để vận chuyển iPhone từ các nhà máy ở Ấn Độ đến Mỹ kể từ tháng 3.

Hãng tin Reuters cho biết công ty này đã vận chuyển 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu thiết bị đến Mỹ.

Mượn hệ thống cảnh báo bão của Mỹ để nói về thuế quan của ông Trump, ông Ives trước đây từng mô tả mức thuế đối với Trung Quốc là “cơn bão giá cấp 5 đối với người tiêu dùng Mỹ”.

Mặc dù chính quyền Trump xem thuế quan là cách để các công ty đầu tư sản xuất tại Mỹ, ông Ives tính toán sẽ mất ít nhất ba năm và 30 tỉ USD để các công ty công nghệ chuyển 10% chuỗi cung ứng từ châu Á sang Mỹ. Đó là còn chưa kể sẽ có gián đoạn lớn, ảnh hưởng đến giá cả và chuỗi cung ứng trong thời gian này.

Dù đối mặt các ảnh hưởng tiêu cực, phản ứng chung của các công ty công nghệ Mỹ là tránh công khai chỉ trích chính sách thuế quan của ông Trump. 

Theo Reuters, điều này xuất phát từ việc họ lo sợ bị tổng thống nhắm tới và mất cơ hội đàm phán, thuyết phục chính quyền Mỹ đưa lĩnh vực hoặc sản phẩm của họ vào danh sách miễn trừ. 

Do đó kinh nghiệm rút ra là kiên nhẫn, tránh chỉ trích công khai và âm thầm vận động hành lang, kèm theo một số cam kết đầu tư lớn vào Mỹ để nhận được lợi ích miễn, giảm thuế.



Đọc tiếp



Về trang Chủ đề

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *