Ông Biden kích hoạt sản xuất chip tại Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cơ sở dự án của Intel ở bang Arizona ngày 20-3 – Ảnh: REUTERS

Ngày 21-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây ấn tượng với bang Arizona khi công bố gói hỗ trợ khổng lồ cho Tập đoàn Intel để hỗ trợ họ xây dựng và mở rộng sản xuất tại 4 bang.

Tờ New York Times ví đây là điểm nhấn đáng kể trong chính sách công nghiệp của Mỹ kể từ lúc Tổng thống Dwight D. Eisenhower sử dụng quỹ liên bang để xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia.

Lấy lại vị thế

“Nó sẽ làm biến đổi ngành công nghiệp bán dẫn. Còn chỗ nào nói rằng chúng ta sẽ không còn là thủ đô sản xuất của thế giới nữa?”, ông Biden phát biểu tại cơ sở của Intel ở Arizona, bang cạnh tranh gay gắt nhất trong cuộc bầu cử hồi năm 2020, với tuyên bố đưa việc sản xuất chất bán dẫn hiện đại quay lại Mỹ sau 40 năm.

Mỹ là nước phát minh ra chất bán dẫn, “linh hồn” cho mọi thứ, từ điện thoại di động đến xe điện, từ tủ lạnh đến vệ tinh, hệ thống phòng thủ, nhưng hiện không tự sản xuất loại chip tiên tiến nào.

Ông Biden cho biết khoản đầu tư vào các cơ sở của Intel ở 4 bang: Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon sẽ giúp Mỹ đạt mục tiêu sản xuất 20% số chip tiên tiến nhất thế giới vào cuối thập niên này. Các dự án sẽ tạo ra hàng ngàn công việc mới, bao gồm cả những công việc không cần bằng đại học.

Ông không quên “đá xéo” người tiền nhiệm Donald Trump, cũng là đối thủ trong cuộc bầu cử cuối năm nay, rằng ông Trump sẽ để chip tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc và các nước khác “vì có thể rẻ hơn”.

Cụ thể, chính quyền Mỹ sẽ cung cấp 8,5 tỉ USD tài trợ và 11 tỉ USD khoản vay theo đạo luật CHIPS cho Intel để giúp công ty này triển khai các khoản đầu tư lên đến 100 tỉ USD trong 5 năm tới. Một số quan chức Mỹ tiết lộ tiền sẽ bắt đầu được rót vào cuối năm nay. Ngoài ra, Intel cũng sẽ được hỗ trợ thêm khoản tín dụng thuế đầu tư lên tới 25%.

“Chúng ta chỉ dựa vào một số rất ít nhà máy ở châu Á để sản xuất tất cả các con chip phức tạp nhất của mình. Điều đó là không thể chấp nhận. Đó là một vấn đề an ninh kinh tế. Đó là một vấn đề an ninh quốc gia. Và chúng ta sẽ thay đổi điều đó”, Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Không dễ dàng

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây là một chặng đường dài và không dễ dàng. Trong khi đó, theo New York Times, không có triển vọng sẽ sớm có một cú hích tiếp nối Intel và chính quyền ông Biden cũng không đề cập đến số tiền cần thêm để quay lại vị trí dẫn đầu. Một số ý kiến cũng lo ngại chương trình sẽ khó đứng vững trong bối cảnh chính trường Mỹ đang phân cực như hiện tại.

“Nếu đó là nỗ lực duy nhất thì có lý do để đặt câu hỏi về hiệu quả của nó”, chuyên gia Doug Calidas của ĐH Harvard nhận định. Trong khi đó, giám đốc điều hành Intel, ông Patrick Gelsinger, cũng thừa nhận tham vọng chip sẽ khó giải quyết chỉ với một dự án vài năm. “Tôi thực sự nghĩ chúng ta sẽ cần đạo luật CHIPS 2 để hoàn thành công việc đó”, ông Gelsinger nói.

Giới phân tích cho rằng chính quyền Mỹ có thể tung ra đạo luật CHIPS tiếp theo vào năm 2026. Đạo luật CHIPS được thông qua năm 2022 giữa nhiều biến động, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo tờ Nikkei Asia, các nền kinh tế lớn đang chạy đua xây dựng chuỗi cung ứng chip trong nước nhưng đều không được như mong đợi. Ít nhất 5 nhà cung cấp hóa chất và vật liệu cho TSMC (Đài Loan) và Intel đang tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô xây dựng các cơ sở ở Arizona do chi phí tăng cao. Tại Mỹ, nhiều công ty trong ngành bán dẫn đang lo ngại về tình trạng thiếu kỹ sư, kỹ thuật viên và các lao động khác.

Ngoài ra, Mỹ cũng không thể bỏ lơ hai công ty sản xuất chip lớn nhất hiện nay là TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, vốn đang hoãn một số dự án sản xuất ở Mỹ để xem xét vấn đề hỗ trợ từ chính quyền.

“Các công ty trong nước của chúng ta ngày nay không ở vị trí dẫn đầu. Các công ty nước ngoài đang đầu tư vào Mỹ không mang theo những công nghệ tiên tiến nhất của họ. Chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ cả hai” – Jimmy Goodrich, chuyên gia bán dẫn và cố vấn của Tổ chức tư vấn Rand Corp., nhận định.

Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc sản xuất chip trong nước, TSMC đã được hỗ trợ khoảng 7,99 tỉ USD cho hai nhà máy ở Kumamoto, trong khi Samsung và Micron đã nhận được hỗ trợ tài chính tương đương hơn 40% tổng đầu tư.

Ông Biden kích hoạt sản xuất chip tại Mỹ- Ảnh 2.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *