Thế nhưng trong bối cảnh cả chất lượng pin lẫn dịch vụ thay pin đang không biết đâu mà lần như hiện nay, muốn làm người tiêu dùng thông minh là điều không hề dễ dàng.
Chỉ trong vòng 10 ngày trung tuần tháng 3 này đã xảy ra liên tiếp hai vụ nổ pin laptop, để lại hậu quả hết sức đau lòng: một học sinh 13 tuổi tử vong vì bị thương quá nặng và một em 8 tuổi phỏng rất nặng (độ 3) ở vùng mặt, ngực, hai bàn tay với tiên lượng xấu.
Số vụ nổ điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) và máy tính xách tay (laptop) gia tăng trong những năm gần đây. Các loại thiết bị điện tử này đều dùng pin lithium – loại pin có thể nổ mạnh và gây cháy với nhiệt độ cao lên đến vài trăm độ C, gây thương tích và phỏng nặng cho nạn nhân.
Sau vài năm sử dụng, pin nguyên bản của các loại thiết bị này đều bị hư hỏng và phải thay thế. Để có lời nhiều hơn, một số điểm dịch vụ thay pin đã sử dụng loại rẻ tiền nhất trên thị trường để thay cho khách hàng.
Thêm vào đó, không ít thợ tay ngang không được đào tạo về an toàn cháy nổ cho thiết bị điện tử vẫn đứng ra nhận sửa chữa. Có người chỉ biết đúng một kỹ năng là hàn chì để thay thế những viên pin và họ chỉ cần làm sao để sau khi thay pin thì máy hoạt động được là xong.
Đa số smartphone, tablet và laptop đều có hệ thống mạch bảo vệ an toàn cháy nổ khi sạc pin. Tuy nhiên, để đơn giản khi thay pin hoặc sửa chữa, những người thợ tay ngang đã đấu tắt để bỏ qua các mạch bảo vệ. Đây là nguy cơ tiềm ẩn khiến pin bị nóng và phát nổ khi sạc vì máy sẽ không còn tự ngắt điện sạc khi quá nóng như thiết kế ban đầu.
Trong mê hồn trận pin và dịch vụ kém chất lượng như vậy, thử hỏi làm sao có thể là “người tiêu dùng thông minh” như lời khuyên chúng ta vẫn thường được nghe?
Một khách hàng bình thường sẽ không thể nào thẩm định được dịch vụ thay pin làm có đúng kỹ thuật an toàn không và loại pin thay thế có đạt chất lượng không. Họ chỉ biết đưa máy tới thay pin, kiểm tra máy hoạt động bình thường khi nhận lại máy và mang về xài.
Ở những vùng xa xôi, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì người dùng càng khó có điều kiện tiếp cận dịch vụ tốt vì những chuỗi dịch vụ lớn, uy tín vẫn chủ yếu ở đô thị.
Vì vậy, với mức độ phổ biến của thiết bị điện tử hiện nay, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp pin lithium trên thị trường. Cần áp dụng các biện pháp mạnh như tịch thu và xử phạt nặng đối với những người buôn bán pin lithium trôi nổi, chất lượng kém, không có giấy tờ hợp lệ về xuất xứ và kiểm tra chất lượng.
Cạnh đó, thường xuyên kiểm tra các điểm dịch vụ thay pin cũng như kiểm tra, hỗ trợ đào tạo bổ sung tay nghề cho kỹ thuật viên thay pin, tập huấn an toàn cháy nổ và bắt buộc họ phải tuân thủ quy định an toàn, không được sử dụng những loại pin lithium kém chất lượng…
Khi nào cần thay pin laptop?
1. Nếu máy đang dùng pin nguyên bản (pin theo máy khi mua mới) và vẫn còn giữ điện sau khi sạc, chưa cần thay vội vì đây là loại pin an toàn nhất.
2. Nếu mua máy cũ, không xác định được nguồn gốc pin thì có thể nhờ các điểm dịch vụ uy tín kiểm tra, hoặc tự theo dõi, nếu pin không nóng bất thường khi sạc, không bị phồng thì có thể sử dụng tiếp.
3. Nếu máy bị nóng nhiều, pin phồng khi sạc, nên tháo pin khỏi máy, cắm điện từ bộ sạc (adapter) để sử dụng, không cần dùng pin trong khi chờ tìm pin thay thế.
4. Cả pin và dịch vụ chất lượng tốt thường không có giá quá rẻ. Do đó nếu chưa đủ tiền thay pin thì tốt nhất cứ cắm điện laptop xài. Không nên thay pin quá rẻ không rõ chất lượng hay cố dùng pin cũ đã bị phồng, nóng khi sạc.