Khi nào cho phép bán thuốc kê đơn online?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai – Ảnh: GIA HÂN

Chiều 30-11, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vấn đề liên quan bán thuốc online tại Luật Dược sửa đổi đã được phóng viên Tuổi Trẻ Online nêu ra.

Theo đó về bán lẻ thuốc online, hiện có một số ý kiến cho rằng ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ trong khám sức khỏe từ xa, sổ sức khỏe điện tử, đơn thuốc điện tử…

Thời gian tới, ngoài thuốc không kê đơn, liệu Quốc hội có nghiên cứu sẽ cho phép bán thuốc kê đơn qua online để thuận lợi cho người dân và tránh câu chuyện “không quản được thì cấm”?

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết đây là vấn đề mới, trong quá trình thảo luận về vấn đề này đã có 3 luồng ý kiến khác nhau.

Cụ thể, có ý kiến cho rằng cần cấm hẳn không cho bán thuốc online.

Cũng có ý kiến nên cho bán cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn.

Cùng với đó, có ý kiến chỉ nên cho bán thuốc không kê đơn và không cho phép thuốc kê đơn bán online.

Cuối cùng, theo ông Mai, Quốc hội đã thông qua cho phép bán thuốc không kê đơn online.

Đối với bán thuốc kê đơn online chỉ khi có các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xảy ra.

Ông Hoàng Mai nêu rõ việc bán thuốc kê đơn qua thương mại điện tử phụ thuộc vào kinh nghiệm quản lý, điều kiện đảm bảo vì thuốc không giống hàng hóa thông thường, mà là dạng hàng hóa đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ông thông tin thêm hiện nay, ngành y tế đã triển khai các hình thức bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử… Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và chưa tạo sự thống nhất trên toàn quốc.

“Hiện nay cũng chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế hoàn thiện và việc kê đơn điện tử, liên thông kết quả cũng còn khó khăn.

Khi nào các điều kiện hoàn thiện, bảo đảm được về điều kiện kiểm soát và quản lý tốt việc bán thuốc online, Chính phủ sẽ xem xét và trình để sửa về vấn đề này”, ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.

Trước đó, tại Luật Dược sửa đổi quy định việc kinh doanh thuốc qua phương thức thương mại điện tử được bán thuốc không kê đơn. Còn thuốc kê đơn được bán online trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Luật cũng quy định cấm bán online với thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua.

Các đơn vị cũng được yêu cầu đăng tải chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.

Ngoài ra, cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của bộ trưởng Bộ Y tế.

Tiến tới không còn ưu đãi thuế

Liên quan đến giảm thuế cho báo chí, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho hay vừa qua, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ bám sát chiến lược cải cách thuế, giảm diện đối tượng không chịu thuế, cũng như thuế suất 5% để tiến tới thực hiện một mức thuế suất.

Vừa qua Chính phủ đánh giá rất nhiều loại hàng hóa dịch vụ để làm sao điều chỉnh đối tượng không chịu thuế, cũng như giảm thuế suất 5%.

“Một số đại biểu Quốc hội đề nghị đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí cần giảm thuế suất. Tuy nhiên, chúng ta cũng xã hội hóa rất nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, báo chí.

Qua rà soát, xem xét thấy thực hiện chiến lược cải cách thuế thì sau này sẽ áp chung một mức thuế suất, không còn ưu đãi thuế nữa.

Thông lệ quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị chúng ta rất nhiều lần là việc ưu đãi thuế không đảm bảo tính công bằng. Do đó việc hỗ trợ sẽ không hỗ trợ qua thuế”, ông Tuấn Anh nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *