Trẻ em không được chơi game online quá 3h/ngày: Cơ hội để trẻ phát triển lành mạnh hơn

Thầy cô hướng dẫn kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh tại Trường THCS – THPT Hoa Sen, TP.HCM – Ảnh: THANH BÌNH

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nói quá nhiều về tác hại của chứng “nghiện game” dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Việc chơi game quá mức gây ra các vấn đề từ sức khỏe thể chất như thừa cân, béo phì do lười vận động, mỏi mắt, đau cổ vai gáy do tư thế ngồi lâu, cho đến rối loạn tâm thần do mất ngủ kéo dài, sự cô lập xã hội và mất mát các mối quan hệ cá nhân.

Thanh thiếu niên “nghiện game” thường cảm thấy cô đơn và ít quan tâm đến các hoạt động xã hội. WHO xếp chứng “nghiện game” tương tự bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt cần có điều trị chuyên khoa để giúp “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý.

Một thanh niên Hàn Quốc tự sát vào năm 2020 sau khi không thể hoàn thành nhiệm vụ trong một trò chơi.

Hoặc câu chuyện thương tâm xảy ra tại Việt Nam vào tháng 3-2018, chỉ vì tranh cãi về tên một nhân vật trong game trực tuyến, một học sinh 11 tuổi (ngụ huyện Quế Phong, Nghệ An) đã dùng dao chém bạn tử vong tại chỗ. Các vụ việc phản ánh sự căng thẳng tâm lý nghiêm trọng liên quan đến game online.

Một án mạng khác liên quan đến vấn nạn này cũng xảy ra trong năm 2018 tại Thái Nguyên. Do không có tiền chơi game, hai học sinh tuổi 13 đã ra tay sát hại người họ hàng với mục đích cướp tiền chơi game.

Tội phạm liên quan đến game trực tuyến hết sức đáng báo động. Công an nhiều địa phương trong cả nước đã không ít lần tóm được các nhóm thanh thiếu niên trộm cắp tài sản để có tiền chơi game.

Mới đây Công an Hà Tĩnh đã bay vào TP.HCM để xác minh nhiều đối tượng có dấu hiệu đánh bạc qua mạng với số tiền luân chuyển cực lớn.

Trong số đó có một bé gái ở quận Tân Bình cho đến khi bị công an mời làm việc mới biết mình đã vi phạm pháp luật mà cứ tưởng là chỉ chơi game.

Nghị định 147/2024 làm chúng ta nhớ lại gần 15 năm trước, việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh Internet và trò chơi trực tuyến đã được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam vào năm 2010.

Lúc đó cũng đã có các quy định về giờ giấc đối với các đại lý khai thác game, Internet. Thế nhưng các vấn đề liên quan vẫn tiếp tục “nóng” mà chưa có lời giải rốt ráo cho đến tận hôm nay.

Các quy định mới trong nghị định 147/2024 đánh dấu một bước tiến trong việc quản lý và điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam.

Nó không chỉ hướng đến việc bảo vệ trẻ em trước các tác động tiêu cực của trò chơi điện tử mà còn phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy một môi trường chơi game online lành mạnh và có trách nhiệm.

Trách nhiệm đó cho thấy việc quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử là hết sức cấp bách.

Việc phải thiết lập hệ thống kỹ thuật đủ mạnh để giám sát và thực thi các quy định sẽ làm tăng chi phí và yêu cầu cao hơn về cơ sở hạ tầng công nghệ, nhưng hết sức xứng đáng vì giúp bảo đảm trách nhiệm của người kinh doanh trong việc quản lý nội dung và hoạt động chơi game.

Quy định giới hạn thời gian chơi game một cách dứt khoát đã đánh tan luận điệu sai lầm xưa nay từ người chơi và doanh nghiệp khi cho rằng điều này hạn chế quyền tự do và trách nhiệm quản lý thời gian con em chơi game là của các gia đình.

Tuy nhiên niềm vui của phụ huynh sẽ trọn vẹn hơn nếu những thách thức mới nảy sinh cùng quy định mới tiếp tục được Chính phủ và ngành chức năng quan tâm.

Đó là việc giám sát và hạn chế thời gian chơi của từng tài khoản đòi hỏi hệ thống kỹ thuật phải hoạt động hiệu quả, đồng bộ. Điều này đặc biệt thách thức với các trò chơi không có sự kết nối trực tiếp với máy chủ của doanh nghiệp.

Thách thức nữa mà phụ huynh hết sức e ngại là vấn đề một người có thể tạo nhiều tài khoản ảo. Đây là một trong những lỗ hổng lớn là việc người chơi có thể sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để vượt qua giới hạn thời gian chơi game.

Việc sử dụng danh tính giả khi các tài khoản đăng ký bằng thông tin của người khác, thậm chí của người trưởng thành, hoặc sử dụng các dịch vụ mua bán tài khoản trực tuyến sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống nhận diện danh tính thật.

Người chơi trẻ tuổi còn có thể sử dụng các nền tảng game không chịu sự quản lý của Việt Nam, như đăng ký tài khoản ở nước ngoài hoặc truy cập qua VPN để tránh bị giám sát.

Một vấn đề khác lớn hơn mà phụ huynh quan tâm chính là quản lý nội dung của các trò chơi, đặc biệt các yếu tố bạo lực, khiêu dâm hoặc cờ bạc trá hình vẫn tồn tại trong nhiều game trực tuyến.

Những nội dung này có thể gây hại lớn hơn việc nghiện thời gian chơi, đặc biệt với trẻ vị thành niên. Đáng lo hơn là số lượng trò chơi mới được phát hành liên tục, đặc biệt không chỉ trong nước mà Việt Nam còn là thị trường game béo bở của các nhà phát triển quốc tế.

Cha mẹ giữ vai trò chủ động

Nghị định 147/2024 là một bước đi quan trọng, nhưng để đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự kết hợp giữa quy định pháp lý, công nghệ quản lý, giáo dục cộng đồng.

Điều quan trọng nhất là không chỉ hạn chế thời gian chơi, mà còn tạo ra môi trường giải trí lành mạnh, bổ ích cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Quy định dù nghiêm ngặt đến đâu cũng cần sự đồng hành từ gia đình, nhà trường và xã hội để nâng cao hiệu quả. Cha mẹ vẫn đóng vai trò chủ động trong việc kiểm soát thời gian chơi game của con, trong khi nhà trường có thể hỗ trợ bằng các chương trình giáo dục kỹ năng cho các em.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *