Tôi là một phụ huynh, một người quản lý trường học, đồng thời là một người quan tâm đến các vận động của xã hội.
Gần đây, cứ mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi đều để tâm theo dõi tỉ lệ học sinh chọn thi các môn khoa học tự nhiên. Và lần nào cũng vậy, tôi đều có cảm giác thất vọng khi tỉ lệ này thường quá thấp.
Do phần lớn trường đại học xét tuyển vẫn dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điều này có nghĩa số sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên – công nghệ sẽ ít hơn rất nhiều so với tỉ lệ sinh viên của các ngành dịch vụ, phi công nghệ.
Học sinh ít chọn môn khoa học tự nhiên: Chuyện quốc gia đại sự
Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì không có quốc gia nào với dân số quy mô 100 triệu dân lại có thể trở thành nước phát triển nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ.
Vì thế, cải thiện tỉ lệ học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là chuyện của ngành giáo dục, mà là chuyện quốc gia đại sự. Đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo các ngành nghề ở bậc đại học và do đó cơ cấu nguồn nhân lực, cơ cấu các ngành kinh tế của đất nước cũng mất cân đối.
Nhưng vì sao tỉ lệ học sinh chọn thi các môn khoa học tự nhiên lại quá thấp, dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng như vậy?
Lần lại các quy định thi cử của ngành giáo dục, chúng ta nhận thấy việc chọn thi tốt nghiệp THPT môn nào đã bị ràng buộc ngay từ khi chọn tổ hợp học của học sinh khi thi vào lớp 10.
Cụ thể, ngoài hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn thì học sinh cần chọn hai môn khác trong số các môn thuộc tổ hợp mình đã đăng ký học khi vào lớp 10. Việc này thoạt nhìn rất hợp lý nhưng lại bỏ quên mất một phần quan trọng của toàn bộ câu chuyện giáo dục trước đó.
Chuyện là do các trường công THPT hiện giờ không đáp ứng đủ nhu cầu học của học sinh bậc THCS, nên cạnh tranh thi vào lớp 10 hiện rất khốc liệt, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Thực tế kỳ thi vào lớp 10 bây giờ khốc liệt hơn kỳ thi vào đại học nhiều, nên mọi tâm sức của gia đình, nhà trường, thầy cô giáo và học trò đều đổ dồn vào kỳ thi này cả.
Nhưng kỳ thi vào lớp 10 hiện giờ chỉ thi ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh nên để có thể cạnh tranh một suất vào lớp 10, ngay từ đầu bậc THCS cả gia đình, nhà trường và thầy trò đều dồn sức học gạo ba môn này và bỏ qua những môn học khác, những môn bị cho là môn phụ hoặc không quan trọng, trong đó có các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học…
Kết quả là học sinh rơi vào tình trạng mất gốc với các môn khoa học tự nhiên này nên khi chọn tổ hợp môn học ở THPT, các em đã không dám chọn tổ hợp tự nhiên, dẫn đến không thể chọn và không dám chọn các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như ta đã thấy.
Lần ngược về trước đó, ta sẽ thấy tâm lý chỉ tập trung học toán, tiếng Việt, tiếng Anh đã lan sâu xuống cả bậc tiểu học, vì nhiều trường THCS cũng tổ chức thi đầu vào với ba môn học này và nhất là tâm lý lo sợ nếu không vững các môn này thì sẽ không thể học tốt chúng ở THCS, dẫn đến không thể cạnh tranh vào trường THPT được, đã làm cho việc học ở bậc tiểu học cũng bị nghiêng lệch về phía ba môn học này.
Tâm lý chỉ tập trung cho toán, tiếng Việt và tiếng Anh này còn lan đến tận bậc mầm non khi rất nhiều cha mẹ học sinh hiện giờ cho con học trước, học thêm ba môn học này mà bỏ qua các nội dung giáo dục quan trọng khác như kỹ năng vận động, kỹ năng quan sát, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống…
Thực tế này dẫn đến một hiện trạng đáng buồn là các môn học rất quan trọng như đạo đức, tự nhiên – xã hội, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống… ở bậc tiểu học đã bị xem nhẹ và bị cho là các môn phụ. Còn ở bậc THCS thì các môn không thi vào lớp 10 đều bị coi là môn phụ hoặc không quan trọng.
Kết quả là cả thầy, trò, gia đình và nhà trường đều dồn sức cho ba môn thi vào lớp 10, đó là toán, ngữ văn và tiếng Anh với hy vọng sẽ giành được một chỗ học ở bậc THPT.
Vì lẽ đó, nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng trong tỉ lệ học sinh chọn môn thi tốt nghiệp THPT và mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực sau này có một phần quan trọng bắt nguồn trực tiếp từ việc lựa chọn môn thi vào lớp 10 hiện giờ.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế hiện giờ học sinh vẫn chỉ tập trung học những gì sẽ thi, còn không thi thì không học. Vì thế, muốn học sinh học các môn khoa học tự nhiên thì phải làm cho các môn này xuất hiện trong các kỳ thi chuyển cấp.
TS Giáp Văn Dương
Điều chỉnh hiệu quả
Có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn ra điều này nên bộ đã có một đề xuất cải tiến: ngoài hai môn toán và ngữ văn sẽ tổ chức bốc thăm môn thi thứ ba cho kỳ thi vào lớp 10.
Thoạt nhìn đây chỉ là một điều chỉnh nhỏ mang tính kỹ thuật nhưng sẽ góp phần cải thiện tỉ lệ thí sinh chọn thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì khi bốc thăm như thế, học sinh lớp 6, 7, 8 sẽ không dám coi thường các môn khoa học tự nhiên nên khi vào lớp 10, tỉ lệ chọn tổ hợp tự nhiên sẽ cao hơn.
Tuy nhiên một số giáo viên, nhà quản lý giáo dục lại cho rằng điều đó quá phiền phức và lập luận rằng cần phải biết trước các môn thi vào lớp 10 để nhà trường và học trò có thời gian chuẩn bị.
Nếu chỉ nhìn cục bộ từ sự thuận tiện trong vận hành của nhà trường thì điều này đúng nhưng khi mở rộng ra góc nhìn toàn cục, cho toàn xã hội thì điều này sai và trở thành nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng trong cơ cấu nguồn nhân lực, trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển quốc gia nói trên.
Rõ ràng giải pháp trọn vẹn, có tính chiến lược chỉ có thể đến từ việc phân luồng giáo dục tốt hơn sau THCS và đầu tư xây thêm nhiều trường THPT mới. Nhưng cả hai đều gặp nhiều rào cản và không thể triển khai hiệu quả trong thời gian ngắn.
Cụ thể, việc phân luồng sau THCS gặp rào cản tâm lý và văn hóa của chính học sinh và gia đình khi cho rằng học sinh không thi được vào THPT là thất bại, thậm chí còn là nỗi nhục của gia đình. Còn xây thêm trường THPT mới thì gặp đủ thứ khó khăn về đầu tư và nguồn lực.
Vì thế trong lúc chờ đợi các giải pháp trọn vẹn có tính chiến lược không biết đến khi nào mới có, thì cần thiết phải có các điều chỉnh có tính chiến thuật như cho bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 để hạn chế tình trạng học lệch, học gạo các môn thi vào lớp 10 mà bỏ qua các môn học khác, nhằm cải thiện tỉ lệ học sinh lựa chọn tổ hợp tự nhiên ở bậc THPT, từ đó cải thiện tỉ lệ học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên cho kỳ thi tốt nghiệp và nhờ đó, cải thiện cơ cấu các ngành nghề đào tạo ở bậc đại học và cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội.
AI và giáo dục
Có một yếu tố tối quan trọng mới xuất hiện, đòi hỏi sự điều chỉnh mạnh mẽ cách thức triển khai giáo dục và thi cử, đó là sự xuất hiện và lan tỏa của trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều ngành nghề, ngõ ngách của cuộc sống. Tuy chưa thể tiên đoán AI sẽ định hình tương lai đến mức nào nhưng sự xuất hiện của AI là bình minh của một nền văn minh khác của loài người, chưa biết sẽ tốt hơn hay tệ hơn hiện giờ.
Nền giáo dục sẽ thay đổi thế nào, thi cử sẽ phải điều chỉnh ra sao trước sự xuất hiện và phát triển của AI là vấn đề lớn mà ngành giáo dục và tất cả chúng ta phải đối mặt trong thời gian tới. Điều đó quan trọng hơn việc điều chỉnh bao nhiêu phần trăm kiến thức, ảnh hưởng đến bao nhiêu điểm trong nội dung của các đề thi rất nhiều.