Đây là bất ngờ thú vị của sân chơi năm nay khi cả hai đội này đều lần đầu tiên mày mò lập trình, lắp ráp robot.
Hai bạn lớp 7 tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là Đào Quang Hải và Nguyễn Minh Nhật (lớp 7 Trường THCS thị trấn Thắng), còn hai học sinh lớp 5 của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là Mai Đức Ninh (Trường tiểu học Xuân Giang) và Trần Tuấn Tú (Trường tiểu học Cổ Đạm) chiến thắng khi vượt qua nhiều đội ở các trường tên tuổi đến từ nhiều đô thị lớn.
Trường thuê linh kiện cho học trò đi thi
Đào Quang Hải và Nguyễn Minh Nhật đập tay “yeah” thật to khi nghe tên mình được xướng lên với giải cao nhất. Quá bất ngờ, hai bạn hết nhìn qua mẹ rồi quay sang cô giáo, đến nỗi người lớn phải giục “Lên đi, lên đi!” hai bạn mới vừa cười vừa chạy lên sân khấu.
Ở trường, Hải được bạn bè gọi là chuyên gia viết code (ngôn ngữ lập trình) trong khi Nhật lại giỏi mày mò lắp ráp cơ khí.
Cô Nguyễn Thị Hải Vân – giáo viên tin học Trường THCS thị trấn Thắng – cho hay khi trường thông báo chọn đội tuyển thi robotics, hai bạn háo hức lắm. Dù người giỏi toán, người giỏi tin nhưng đều là lần đầu tiên học sinh một trường huyện được học “món” robot.
Các bạn khoe vẫn chỉ thấy robot trên YouTube hay mấy con robot ở cửa hàng bán đồ chơi. Cô Vân kể rằng ngoài tìm hiểu trong sách, trên mạng, Hải mò vào tham khảo cả những trang tin tiếng Anh vì ngoại ngữ của bạn khá tốt, trong khi Nhật mải mê lắp ráp đến quên cả giờ ra chơi.
Vào chung kết, yêu cầu robot của các đội phải tự lắp ráp, tự lập trình, đặt lệnh để làm nhiệm vụ. Mọi thứ đều hoàn toàn tự động, robot phải thu thập dữ liệu trong bản đồ, xác định nhiệm vụ chuyển các hộp được đặt tên là các thiên thạch về đúng vị trí.
Nhưng ấy chỉ là nhiệm vụ ban đầu vì ban tổ chức đưa một tình huống bất ngờ, yêu cầu robot phải chuyển thiên thạch bằng cách đi lùi. Trong khi nhiều robot chưa được lập trình sẵn nên “đùn” thiên thạch loạn xạ thì robot của Hải và Nhật lại bon bon thực hiện nhiệm vụ như yêu cầu.
Điều tiếc nuối duy nhất của cả hai khi không thể giữ lại robot làm kỷ niệm sau cuộc thi này vì toàn bộ linh kiện lắp ráp nhà trường đều đi… thuê! Thầy Nguyễn Trọng Mạnh – hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thắng – về thủ đô cổ vũ cho học trò kể năm đầu tiên trường có đội tuyển tham gia cuộc thi này.
“Trường tìm học sinh học tốt toán, tin học và nhất là có năng khiếu về lập trình, lắp ráp ngay khi nhận thông báo, chuẩn bị gấp rút thi cấp huyện, cấp tỉnh, vòng khu vực và đã chiến thắng để có mặt ở chung kết toàn quốc này”, thầy Mạnh nói.
Ở góc độ nào đó, cuộc thi này đã tạo cho các bạn nhỏ một sân chơi thỏa mãn đam mê sáng tạo robot. Đồng thời chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai của các bạn nhỏ.
Anh NGUYỄN THIÊN TÚ (giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và tài năng trẻ)
Kỹ sư công nghệ tương lai
Nguyễn Gia Huy (lớp 6 Trường Eistein School, TP.HCM) giành giải nhì vòng khu vực miền Nam. Huy đam mê toán học và từng giành huy chương đồng kỳ thi Olympic toán Singapore và châu Á (SASMO) năm trước.
Huy cho biết khá hồi hộp khi đến vòng chung kết robotics toàn quốc vì có quá nhiều bạn xuất sắc. “Cuộc thi giúp em càng thêm đam mê với môn toán, giờ lại có thêm niềm vui mới, đam mê mới là lập trình robot”, Huy khoe.
Đây là năm thứ hai Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và tài năng trẻ (Trung ương Đoàn) tổ chức cuộc thi robotics. Năm nay số lượng các đội tăng đột biến.
Chỉ có 14 tỉnh, thành đoàn cử đội thi tham gia chính thức nhưng ban tổ chức đã linh động cho các đội thi khác đăng ký trực tiếp với trung tâm nên số lượng đã lên tới hơn 600 đội. Qua các vòng đã chọn được 157 đội xuất sắc nhất cả ba miền vào chung kết toàn quốc.
Anh Nguyễn Thiên Tú, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và tài năng trẻ, cho biết vòng khu vực miền Nam được tổ chức tại Trường Eistein School tại TP.HCM. Vòng thi này đã kết hợp với nhiều hoạt động trong Ngày hội sáng tạo thu hút rất đông học sinh tiểu học và THCS tham dự.
Trong đó nổi bật với các chương trình: Giáo dục STEM – hành trình sáng tạo, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng bài giảng…
Các bạn nhỏ còn có cơ hội trải nghiệm không gian STEM khám phá công nghệ vũ trụ, thiên văn học, thi kiến thức về AI, lập trình AI, rung chuông vàng và cả sáng tạo robotics.
“Khu vực miền Nam vốn là nơi tập trung khá đông trường học, trung tâm về công nghệ, khoa học. Học sinh tại đây được tiếp cận với các môn khoa học, công nghệ từ sớm. Ngay cả lắp ráp robot hay lập trình các bạn vẫn làm quen đến mức chúng tôi nói vui là “như ăn kẹo” vậy”, anh Thiên Tú nói.
Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh
Với chủ đề “Robot thám hiểm vũ trụ”, ban tổ chức chọn hình thức thi để học sinh tự lắp ráp, tự lập trình câu lệnh cho robot của mình. Trong đó yêu cầu chỉ làm robot bằng những linh kiện đơn giản để tránh việc chạy đua với những robot đắt tiền.
Cuộc thi robotics chính là một dạng cụ thể hóa giáo dục STEM đang rất được nhiều nhà trường, phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm hiện nay.
Khi phong trào phát triển, số học sinh và phụ huynh quan tâm ngày càng đông, cuộc thi tạo cơ hội để học sinh cùng tham gia và phát triển hơn nữa các môn khoa học, công nghệ.
“Điều này không chỉ đáp ứng trực tiếp nhu cầu cho một khu vực nào đó mà còn trên phạm vi rộng khắp cả nước, cũng liên quan đến nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trong tương lai”, anh Nguyễn Thiên Tú chia sẻ.