Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi rằng việc mang băn khoăn của mình giãi bày với cô giáo của con ở lớp 9, cô khuyên: “Cứ môn nào thi thì tập trung học thôi”.
Nhưng môn nào thi, môn nào không thi, chưa có địa phương nào công bố được rõ ràng ở thời điểm này do những thay đổi về quy định khung chưa được chốt.
Nhìn lại những năm trước, khi chưa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nỗi lo về sự bất ổn trong quy định thi cử nói chung và tuyển sinh lớp 10 nói riêng cũng vẫn tồn tại.
Nhưng nỗi lo của phụ huynh có con sắp thi chuyển cấp năm nay còn lớn hơn vì có quá nhiều thay đổi. Trong đó có sự thay đổi không được biết rõ, có thay đổi còn đang là ẩn số.
Chuyện thi đã thắc thỏm, chuyện học còn thắc thỏm và mông lung hơn. Một phụ huynh có con học lớp 9 ở Đại Kim (Q,Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ thấy con bỏ qua môn lý, hóa mà lo. Nhắc thì con nói các bạn đều vậy vì lý, hóa không thi chuyển cấp.
Các phụ huynh an ủi nhau rằng sau này xét tuyển đại học, cứ trừ khối kỹ thuật ra thì vẫn “thoát lý, hóa” như thường.
Nhưng thực tế lại đang có chuyện học sinh muốn du học bị từ chối hồ sơ vì học bạ cấp THPT không học lý và hóa – những môn học được xem là bắt buộc ở một số quốc gia.
Chuyện này gây hoang mang cho cả những phụ huynh chưa có ý định cho con du học, vì biết đâu các quy định liên quan tuyển sinh đại học, rồi cơ cấu ngành nghề tại Việt Nam sau này cũng thay đổi mạnh.
Trong khi nếu không chọn hướng đúng từ đầu thì sẽ lạc lối và khó khăn hơn rất nhiều cho việc quay về điểm xuất phát là thời điểm chọn môn học ở lớp 10.
Sự bấn loạn của phụ huynh đều có nguyên do chung: thiếu thông tin và phải đối diện với nhiều sự thay đổi.
Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông, học sinh học hết lớp 9 là xong giáo dục cơ bản.
Ở điểm mốc này, các hoạt động hướng nghiệp phải mạnh mẽ để cả phụ huynh và học sinh có hình dung về hướng đi, nghề nghiệp tương lai. Nhưng trên thực tế hướng nghiệp ở cấp THCS bị bỏ trắng ở nhiều nhà trường hoặc chỉ mang tính hình thức.
Những thông tin mang tính dự báo nhu cầu nhân lực, về cơ cấu ngành nghề, thông tin về lựa chọn môn học để phù hợp với hướng học lên đại học hay giáo dục nghề nghiệp hiện đều thiếu.
Trong khi đó ba năm thực hiện chương trình mới chưa đủ để nhiều nhà trường có sự chuẩn bị, điều chỉnh việc tổ chức dạy học theo cách thức mới đáp ứng nhu cầu người học. Vấn đề thi và tuyển sinh vẫn đang tiếp tục thay đổi.
Thực tế “lạc lối với môn học lựa chọn” chỉ đang là một trong nhiều thay đổi, xáo trộn hiện nay. Điều này đặt ra vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách, đưa nó vào cuộc sống với hai tiêu chí cần được quan tâm: sự sáng rõ và tính ổn định.
Học sinh và các bậc phụ huynh cần nhìn thấy rõ lộ trình học tập, thi cử củ trong một quãng thời gian đủ dài để có định hướng, kế hoạch cụ thể. Chỉ tới khi đó mới thôi thắc thỏm, hoang mang trước những ngã rẽ.