Mùa thèm ôm – Tuổi Trẻ Online

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Trong ký ức đông xưa của mình, tôi thấy nội vun một đống un lá khô và cành cây gãy vào sáng sớm, khói bay lên trắng đục và thơm. Bà đứng ôm tôi gần đó, hai bà cháu nghiêng trái, nghiêng phải như là tập thể dục cho ấm người lên. Bà nói, mùa này là mùa thèm ôm!

Mẹ gọi nhắc tôi nhớ mặc áo ấm lúc 5h sáng, khi bà vừa thức dậy. Tôi nghe tiếng ba nói gần đâu đó với mẹ, hình như tới ngày đại tuyết rồi mình, năm nay trời có vẻ lạnh hơn… Tôi nghe tiếng dép lẹt quẹt, tiếng ba đi từng góc giường để tháo ra những cây trụ giăng mùng.

Bật loa ngoài, tôi vừa chải đầu buộc tóc vừa nói chuyện với mẹ. Dăm câu rời rạc đầu ngày, thấy hình ảnh mẹ đang ngồi trên bộ ván xếp mền, thấy bàn tay già nhăn nheo đang phủi phủi mấy sợi tóc bạc trên gối cho chúng rơi xuống đất.

Gió đang thổi hướng nào không rõ nhưng tôi nghe cả tiếng mấy tàu chuối sau nhà đang vẩn vơ vỗ lưng nhau vì lạnh…

1. Ba mẹ tôi nhiều năm nay chuyển sang ngủ trên bộ ván có nệm của ông bà nội. Nhiều lần tôi cứ giật mình khi ngồi ở một góc nhà quan sát.

Thấy thời gian dường như bị kéo ngược về quá khứ khi đêm đêm, trong khung hình quen thuộc tuổi mười lăm đời mình, ba tôi y như ông nội, ngồi trên cái ghế dựa đối diện tivi. Sát ngay đó, mẹ tôi y như bà nội hồi xưa, nằm gối đầu lên cái gối cao cao cùng xem tivi với ba.

Thỉnh thoảng, bà tôi ngoẹo cổ ngủ khi chưa vãn tuồng cải lương. Ông tôi tủm tỉm cười cười ra dấu cứ để bà ngủ. Rồi ba tôi lấy cái gối thấp hơn nhẹ nhàng nâng đầu thay cho mẹ kẻo sáng ra than đau cổ, rồi ba thủng thẳng giăng mùng. Xong thì đuổi tôi về nhà ngủ, ông nội tắt đèn, tắt tivi.

Bạn thấy đó, tôi cứ lẫn lộn giữa bà và mẹ, giữa ông và ba. Bởi vì trong trọn vẹn bối cảnh ấy, chỉ có cái tivi là to hơn một chút, còn lại trùng lắp mọi thứ, từ màu sắc tường vôi, mùi dầu bà xức thấm trên mền gối, đến cả tình yêu và nỗi nhớ con cái của hai cặp vợ chồng già.

Lớn lên trên vùng đất mà nhiều người tưởng rằng không có mùa đông, nhưng thật ra năm nào gió lạnh cũng về nhắc nhở những khắc khoải cố hữu của đời người. Tuy nhiên, phải chăng vì trái đất mỗi ngày một nóng lên? Hay gánh nặng trên vai chúng ta mỗi ngày mỗi nặng nên mùa đông mà vẫn cứ ứa mồ hôi?

Tôi hỏi bạn bè, hỏi chú bác, ai cũng quả quyết mùa đông hồi xưa lạnh hơn bây giờ. Nhưng mà, những khung cảnh mùa đông của tôi luôn ấm.

Trong ký ức đông xưa của mình, tôi thấy nội vun một đống un lá khô và cành cây gãy vào sáng sớm, khói bay lên trắng đục và thơm. Bà đứng ôm tôi gần đó, hai bà cháu nghiêng trái, nghiêng phải như là tập thể dục cho ấm người lên.

Bà nói, mùa này là mùa thèm ôm! Nhưng nội đang ôm con mà thèm ôm ai nữa? Ừa, nhưng vẫn thèm, giá mà bác tư con còn, giá mà chú tám con đừng đi… Những khi nội nhắc tới hai người thân ấy, tôi nín không dám nói gì thêm. Càng nói càng sợ làm nội buồn hơn.

2. Tôi có một người chú rời nhà ra đi, sống chết mấy năm trời không biết được. Bà nói, ấy là những năm bà sống mà như đã chết một nửa đi rồi. Sau đó thì có thư về, thư đầy chữ và có vài tấm ảnh nữa. Cả nhà tụ lại nghe ba tôi đọc, ba tôi đọc hai ba lần rồi trả thư lại cho bà nội cất.

Vậy chứ buổi trưa tôi tan học về, cơm nước xong, bà lại lén lén lấy thư ra kêu tôi đọc lần nữa cho bà nghe. Khi lá thư cũ nhàu đi thì cũng vừa lúc chú gửi về thư mới, hình mới… Được vài năm như thế thì ngày nọ, chú gửi về một thùng quà rất lớn cho đại gia đình.

Sau này chú nói đó là hàng đại hạ giá từ một cửa hàng chuẩn bị đóng cửa luôn nên đủ hết kích cỡ chủng loại. Chỉ có cái áo len là chú mua riêng, dành riêng cho bà. Cả nhà tôi hôm ấy vui quá chừng, trong bối cảnh cả xã hội thiếu thốn mà nhà tôi lại có cả một thùng quần áo từ Mỹ gửi về thì phải biết nó sướng thế nào.

Tay ôm chặt cái áo len màu rượu chát, bà tôi mắt lấp lánh nhìn bầy con cháu nôn nao cười nói thử áo quần. Tuy nhiên thời điểm ấy, ngày về của chú chưa ai dám nghĩ tới…

Một sớm nọ thật lạnh, thấy bà mặc thêm cái áo bà ba mà không đủ ấm nên cứ xoa xoa hai bàn tay. Tôi nhắc bà lấy áo len của chú ra mặc, bà nói sợ nó cũ thì uổng, thôi để nội ôm con cũng ấm rồi.

Bà nhớ hồi xưa cũng hay ôm chú như vầy như vầy, vừa nói bà vừa ghì siết. Nỗi nhớ ấy dường như thấm qua da, truyền sang tôi một nỗi buồn dè dặt. Càng thương bà càng không dám hỏi nhiều hơn.

Với một người mẹ, thời gian không phải là liều thuốc để nguôi ngoai. Tết này là 10 năm rồi đó ông, dẫu biết nó vẫn ổn nhưng giá mà một lần được ôm nó ông hén…

Ông tôi đứng gần đó khơi lửa đống un, miệng mấp máy nói tôi có ý này hay nè. Bà lấy cái áo nó gửi cho bà ra mặc đi, cái áo ôm bà cũng là con trai nó đang ôm bà đó!

Tôi nhớ bà đã sững người đi một lúc rồi đi thẳng vào nhà mở tủ lấy áo mặc liền. Áo còn thơm mùi xà bông của Mỹ, thơm cả mùi cà phê ám tủ lâu ngày. Hình như kể từ ngày đó, bà tôi có bớt khắc khoải hơn.

Mẹ tôi lại hỏi, Kiến Vàng đâu rồi!

Tôi nói còn nằm nướng đây, mùa đông lạnh như vầy cứ đòi ôm mẹ.

Mẹ tôi ừ hử đồng tình, mùa thèm ôm mà. Cuối tuần này con có về không?

Tôi hiểu liền, ừ hử, mùa thèm ôm mà!

Mùa thèm ôm - Ảnh 2.Cha mẹ ôm con, con có ôm mẹ cha

TTO – Tôi từng đọc được rằng một nghịch lý của đời người là khi còn bé con rất gần gũi với cha mẹ, nhưng khi trưởng thành lại “xa” cha mẹ, rồi đến khi hiểu được và mong muốn “về gần” có khi đã muộn rồi.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *