Ngày 6-12, Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand, công bố báo cáo về việc các phần tử cực đoan Hồi giáo và cực đoan cánh hữu sử dụng Internet để chiêu mộ trẻ em, trong đó thậm chí có cả những trẻ chỉ mới 10 tuổi.
Khi Internet trở thành cái bẫy
Five Eyes đưa ra cảnh báo trên khi ngày càng nhiều trẻ em bị cực đoan hóa thông qua Internet, gây lo ngại về an ninh quốc gia và đặt ra vấn đề về ảnh hưởng tiêu cực của các nền tảng mạng xã hội đối với tinh thần và sự phát triển của giới trẻ.
Là những “công dân kỹ thuật số”, những người trẻ lớn lên trong môi trường trực tuyến và quen thuộc với việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội.
Nghiên cứu của Five Eyes phát hiện rằng Internet tạo ra một con đường tiếp cận ban đầu với trẻ vị thành niên, thường thông qua các nền tảng mạng xã hội và trò chơi tưởng chừng vô hại như Discord, Instagram, Roblox và TikTok.
Báo cáo chỉ ra rằng trong những môi trường này, chủ nghĩa cực đoan bạo lực trở nên dễ tiếp cận hơn, vì nội dung cực đoan bạo lực có thể được tạo ra ngay trên chính các nền tảng đó.
Báo cáo nhấn mạnh giới trẻ ngày càng “bình thường hóa” các hành vi bạo lực trong các nhóm trực tuyến, bao gồm cả việc đùa cợt về các cuộc tấn công khủng bố và tạo ra nội dung mang tính cực đoan bạo lực.
Trẻ vị thành niên, với khả năng nhận thức và phán đoán chưa hoàn thiện, dễ bị thao túng bởi các chiêu trò tuyên truyền tinh vi hoặc sự dẫn dắt từ các cộng đồng cực đoan. Hơn nữa, những yếu tố tâm lý và xã hội như cảm giác cô lập, thiếu sự giám sát từ gia đình hoặc bất ổn tâm lý cũng làm tăng nguy cơ trẻ trở thành mục tiêu của các nhóm cực đoan.
Theo ông Matt Jukes – lãnh đạo cơ quan chống khủng bố Anh, Internet đã thúc đẩy “sự lan truyền của các tư tưởng thù hận trên phạm vi quốc tế” và làm cho “bất kỳ ai có kết nối Internet cũng có thể tiếp cận đời sống của trẻ em ở nửa vòng trái đất”.
Ảnh hưởng thực tế của việc cực đoan hóa trên mạng được thể hiện qua vụ ba thiếu niên, tất cả đều bị lôi kéo qua Internet, bị bắt vì cáo buộc âm mưu thực hiện tấn công khủng bố tại buổi hòa nhạc của nữ ca sĩ Taylor Swift ở Áo vào tháng 8 vừa qua.
“Trong tất cả các vụ tấn công khủng bố, ngăn chặn và các sự cố nghi ngờ liên quan đến khủng bố xảy ra tại Úc trong năm nay, những người bị cáo buộc thực hiện đều là người trẻ.
Với tư cách là một phụ huynh, những con số này thực sự gây sốc. Nhưng với tư cách là một sĩ quan tình báo, những con số này là lời cảnh báo” – ông Mike Burgess, tổng giám đốc Tổ chức Tình báo an ninh Úc, khẳng định.
Cần một phản ứng toàn diện
Nhóm Five Eyes đã kêu gọi một phản ứng “từ toàn xã hội” đối với hiện tượng này.
Các quốc gia trên thế giới cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với tình trạng cực đoan hóa trong giới trẻ, với mục tiêu ngăn chặn sự lan rộng của các tư tưởng cực đoan và bảo vệ an ninh quốc gia.
Ở Anh, chương trình Prevent là một phần của chiến lược chống khủng bố nhằm ngăn chặn các cá nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên, khỏi việc bị cực đoan hóa. Chương trình này tập trung vào việc phát hiện sớm những dấu hiệu cực đoan hóa và cung cấp hỗ trợ trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Trong năm qua, quốc gia này ghi nhận kỷ lục 3.026 trẻ dưới 15 tuổi, bao gồm gần 300 em dưới 10 tuổi, được giới thiệu để tham gia chương trình.
Ngoài ra, Đạo luật an toàn trực tuyến của Anh được thông qua vào tháng 11-2022, yêu cầu các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok phải chịu trách nhiệm về việc bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ như bắt nạt trực tuyến, lạm dụng tình dục và tiếp cận các nội dung cực đoan.
Ofcom, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi đạo luật này, có quyền áp đặt các khoản phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu đối với các nền tảng không tuân thủ.
Trong khi đó, Đạo luật an toàn trực tuyến của Úc yêu cầu các ngành công nghiệp phát triển các quy tắc mới để quản lý nội dung bất hợp pháp và bị hạn chế; bao gồm các tài liệu có mức độ gây hại nghiêm trọng như video ghi lại hành vi lạm dụng tình dục trẻ em hoặc thúc đẩy các hành vi cực đoan hóa như khủng bố, cho đến các nội dung không phù hợp với trẻ như bạo lực nghiêm trọng và hình ảnh khỏa thân.
“Nhiều yếu tố cần được liên kết nếu chúng ta muốn ngăn chặn dòng chảy dẫn trẻ em đến chủ nghĩa cực đoan. Các công ty công nghệ cần chịu trách nhiệm nhiều hơn và các bậc phụ huynh phải tích cực hơn trong việc bảo vệ con mình.
Đồng thời, lực lượng thực thi pháp luật và chính phủ phải hợp tác chặt chẽ để bảo đảm luật pháp mạnh mẽ và khả năng đối phó hiệu quả với các mối đe dọa trực tuyến”, ông Jukes nhấn mạnh.
“Thối não” là từ của năm 2024
Từ điển Oxford công bố cụm từ nổi bật trong năm 2024 là “brain rot” (thối não), phản ánh mối lo ngại về việc lướt mạng xã hội quá mức tác động đến tinh thần.
Được gen Z và thế hệ Alpha sử dụng phổ biến nhất, brain rot dùng để chỉ trạng thái mệt mỏi do ảnh hưởng của việc dopamine bị kích thích quá mức khi lướt mạng xã hội.
“Với brain rot, ta thấy mối lo ngại về khả năng tư duy của chúng ta có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến theo thuật toán. Có một sự lo lắng về việc làm thế nào để cân bằng giữa thế giới trực tuyến và thế giới thực.
Tôi nghĩ thật tuyệt khi chính giới trẻ, những người đắm chìm trong mạng xã hội, lại tích cực sử dụng thuật ngữ này. Điều này thật mâu thuẫn nhưng lại có tính tự tham chiếu” – bà Katherine Martin, giám đốc sản phẩm của Oxford Languages, chia sẻ.