Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Matxcơva đã đoán trước được động thái triển khai tên lửa của Mỹ và Đức, mà theo ông là nhằm đe dọa Nga và làm mất ổn định hơn nữa các mối quan hệ chiến lược và an ninh khu vực.
“Công việc cần thiết nhằm chuẩn bị các biện pháp đối phó cân xứng của các cơ quan nhà nước liên quan của Nga đã được bắt đầu từ trước và đang được thực hiện một cách có hệ thống”, Hãng tin Interfax ngày 11-7 dẫn lời ông Ryabkov tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ông Ryabkov cho biết Nga sẽ chuẩn bị các biện pháp quân sự với một cái đầu lạnh. “Không cần lo lắng, không có cảm xúc, trước hết chúng tôi sẽ xây dựng một phản ứng quân sự đối với trò chơi mới này”, ông nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington ngày 10-7, Mỹ và Đức tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai khả năng hỏa lực tầm xa ở Đức vào năm 2026 nhằm thể hiện cam kết với NATO và phòng thủ châu Âu.
Hai đồng minh cho biết việc triển khai sẽ diễn ra theo từng đợt để chuẩn bị cho việc đặt tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và các vũ khí siêu thanh có tầm bắn xa hơn hiện tại ở châu Âu về dài hạn.
Ngoài ra, tại hội nghị, NATO cũng thông báo một căn cứ phòng không mới của Mỹ ở miền bắc Ba Lan đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ này được thiết kế để phát hiện và đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo như một phần của lá chắn tên lửa rộng hơn của NATO.
Khi được về kết quả hội nghị thượng đỉnh NATO, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng cuộc họp một lần nữa đã khẳng định rất rõ ràng bản chất của liên minh này là nhằm đối đầu với Nga.
“Chúng tôi thấy các quyết định của NATO nhằm tạo ra các trung tâm hậu cần riêng biệt ở các thành phố Biển Đen, mở thêm các cơ sở ở châu Âu. Chúng tôi thấy rằng trên thực tế, cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang di chuyển liên tục và từng bước về phía biên giới của chúng tôi”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Peskov nói.
Người phát ngôn Nga cho biết nước này sẽ có phản ứng thấu đáo, phối hợp và hiệu quả để ngăn chặn và chống lại NATO.
Tháng trước, Tổng thống Nga Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, sau đó xem xét nơi triển khai chúng, để đáp trả việc Mỹ đưa tên lửa tới châu Âu và châu Á.